Ở Khánh Hòa, nói đến nhà thơ Cao Nhật Quyên, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ hầu như ai cũng biết. Thơ anh xuất hiện trên văn đàn trong tỉnh, trong nước đã lâu. Anh đã xuất bản 4 tập thơ, trong đó quê hương và tình yêu là hai chủ đề chính luôn được anh đề cập tới. Ở tập thơ vừa ra mắt bạn đọc "Bước dạo mùa" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 12-2019), hai chủ đề trên tiếp tục như hai dòng chảy lấp lánh nhiều sắc màu.
Ở Khánh Hòa, nói đến nhà thơ Cao Nhật Quyên, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ hầu như ai cũng biết. Thơ anh xuất hiện trên văn đàn trong tỉnh, trong nước đã lâu. Anh đã xuất bản 4 tập thơ, trong đó quê hương và tình yêu là hai chủ đề chính luôn được anh đề cập tới. Ở tập thơ vừa ra mắt bạn đọc “Bước dạo mùa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, 12-2019), hai chủ đề trên tiếp tục như hai dòng chảy lấp lánh nhiều sắc màu.
Cũng như các tập thơ trước, trong “Bước dạo mùa”, khi viết về quê hương, Cao Nhật Quyên luôn tập trung khai thác những tình cảm, suy tư, ký ức… về cuộc sống ở những nơi mình đã và đang trải qua. Không chỉ có nhiều tên đất, tên làng thuộc các vùng quê Khánh Hòa được tác giả nhắc đến, mà ở từng nơi, từng thời điểm khác nhau, qua lăng kính thơ, nhà thơ đã gửi gắm bao cảm xúc, tâm trạng với nhiều sắc thái, cung bậc. Đó là sông Dinh trong bài thơ “Sông Dinh”, dòng sông nuôi anh lớn lên từ thuở ấu thơ với “Tiếng chuông chiều níu ngọn tre cong/Lãng mạn từng cánh bèo gọi nở/Hoa cỏ tơ trời trăng gió vuốt ve/Rượu bọt, nem chua quán cóc vỉa hè/Ngẫu hứng câu thơ ru tình cố thổ”. Đó là Vạn Giã, vùng đất yên bình, sâu lắng: “Đêm Vạn Giã ngọt như ướp mật/Thả hương vào từng cơn gió dịu êm/Và rất ấm câu khoan hò tha thiết/Điệu huê tình bồi lở một dòng sông (Vạn Giã đêm cuối năm).
Viết về quê hương, thơ Cao Nhật Quyên luôn hướng sự kiếm tìm của mình vào những nét riêng mang tính đặc thù của những lớp văn hóa tiềm ẩn ở một vùng đất như một điệu hát huê tình, một món nem chua, một giọng bài chòi, một câu chuyện cổ… Chính nhờ điều này mà thơ anh không bị sáo mòn. Đặc biệt, nằm trên cái trường chung của mảng đề tài đậm nét hồn quê, những vần thơ viết về mẹ cha, anh chị, bạn bè, tình yêu… cũng luôn được Cao Nhật Quyên chọn một lối riêng để thể hiện. Đó là hình ảnh “Mẹ vẫn giữ màu áo vá sờn vai/Vẫn tần tảo bên luống cà, vạt ớt/Nắng sớm mưa chiều nào đâu quản ngại/Chiếc khăn rằn giấu mái tóc phơ tro” (Gửi quê); là hình ảnh “Cha đi vẹt ngọn gió lùa/Trái tim ấm lạnh sớm -trưa - xế - chiều/Hừng đông nhen bếp lửa nghèo/Chén trà lót dạ len theo phận người” (Ký ức về cha tôi); là người bạn thơ thân thiết đã nằm xuống: “Bạn đi từ buổi bom rền/Bạn về lau lách bên triền núi cao/Câu thơ viết từ xuân nào/Lặng bay theo khói mây vào hư không” (Qua Hòn Rọ, chợt gặp mộ người bạn thơ)…
Tình yêu cũng là đề tài được nói nhiều trong tập “Bước dạo mùa”. Tình yêu trong thơ anh thường là những kỷ niệm của một thời, ở đó có sự ngọt ngào, ấm áp và có cả sự chua cay, luyến tiếc… nhưng tất cả rất thật, rất dung dị, vì thế nhiều câu, nhiều bài đã tạo sự lắng đọng trong lòng người đọc. Đó là những lúc cô đơn trở lại bến sông xưa ở vùng quê Mỹ Hiệp; là sự trăn trở trong đêm vắng trước một mối tình không thành…
Khi viết về quê hương, tình yêu, ngôn từ thơ của Cao Nhật Quyên thường dung dị nhưng đầy hình ảnh. Đã sang tuổi thất thập cổ lai hy mà vẫn giữ được một giọng thơ trẻ trung, đầy cảm xúc như trong “Bước dạo mùa” là điều không phải ai cũng có. Không ít đoạn thơ, khổ thơ ở tập thơ mới này, đọc xong người đọc vẫn thấy muốn đọc lại lần nữa…
Hoàng Nhật