03:04, 30/04/2020

45 năm ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng"

Ngày 30-4 năm nay tròn 45 năm bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng" được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát lúc đó như tiếng reo vui của cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng và hạnh phúc giành được độc lập, tự do, Bắc - Nam sum họp.

Ngày 30-4 năm nay tròn 45 năm bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng” được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát lúc đó như tiếng reo vui của cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng và hạnh phúc giành được độc lập, tự do, Bắc - Nam sum họp. Bài hát đã đi cùng năm tháng, sống mãi trong hàng triệu trái tim Việt Nam và bạn bè trên thế giới. Tác giả bài hát - nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn có những tác phẩm đồng hành với lịch sử đất nước.


Đồng hành với lịch sử đất nước


Những ngày hòa bình, lên Đông Bắc, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết Bài ca người thợ mỏ và Những vì sao ca đêm. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhạc Phạm Tuyên mạnh mẽ với những giai điệu vừa hùng tráng, vừa trữ tình. Vào tuyến lửa Quảng Bình, ông viết Quảng Bình chiến thắng, Bám biển quê hương, Đêm Cha Lo. Đi dọc đường Trường Sơn huyền thoại, ông viết Yêu biết mấy những con đường. Trở về Hà Tây quê lụa, ông viết Chiếc gậy Trường Sơn, một bài ca thúc giục hàng triệu thanh niên miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Vào Thanh Hóa, ông viết Bài ca tuổi trẻ Nam Ngạn anh hùng. Hướng về miền Nam anh dũng kiên cường, ông viết Những cánh chim Hồng Gấm, Tiếng hát những đêm không ngủ. Chia sẻ với phong trào âm nhạc chống chiến tranh ở Mỹ, ông viết Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ. Bộ ba ca khúc của ông gồm: Màu cờ tôi yêu (thơ Diệp Minh Tuyền), Đảng cho ta cả một mùa xuân, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng đã đưa nhiều thế hệ đến với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.


Sau ngày thống nhất đất nước, Phạm Tuyên tiếp tục thành công trong những giai điệu ca ngợi cuộc sống thanh bình, bài ca lao động như: Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào (đều phổ thơ Bùi Văn Dung). Ngay sau đêm đầu tiên xảy ra chiến tranh biên giới phía bắc, ông đã có bản hành khúc Chiến đấu vì độc lập tự do, tiếp đó là giai điệu Một đóa hồng chiêm thơm ngát vùng biên giới Đông Bắc Tổ quốc...


Sau ngày Bác Hồ từ trần, ông viết Từ làng Sen, Việt Bắc nhớ Bác Hồ, Suối Lê-nin (thơ Trần Văn Loa). Trưa 30-4-1975, giải phóng Sài Gòn, ông nghĩ rằng chính giây phút thiêng liêng này của dân tộc Bác vẫn hiện diện giữa triệu triệu trái tim Việt Nam. Bài đồng ca Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng đã được ông viết rất nhanh và ngay lập tức được thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi được phát ngay trên làn sóng điện vào lúc 17 giờ, sau bản tin thông báo với toàn thế giới Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất sau 30 năm kiên cường đấu tranh.


Sức sống mãnh liệt của một ca khúc


Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nhiều lần tâm sự, lúc sáng tác bài Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng, ông cũng không ngờ bài hát lại có sức lan tỏa rộng như thế, còn vượt qua biên giới Việt Nam. Hôm gặp tôi ở Huế khi ông là khách mời dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Huế, ông kể: Anh em nhạc sĩ Hà Nội, Huế, Sài Gòn hội ngộ, đang tưng bừng ca hát thì có một đoàn khách Nhật Bản tình cờ gặp và xin tham gia. Đoàn khách du lịch ấy có vài ba người biết chơi guitar, họ chỉ xin hát đúng 2 bài, bài đầu tiên là dân ca Nhật Bản rất nổi tiếng Hoa anh đào, bài thứ hai chính là Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng. Bất ngờ hơn là họ lại hát bằng tiếng Nhật khiến ông ngỡ ngàng, xúc động. Họ hát bằng tiếng Nhật nên ở dưới, các nhạc sĩ chỉ biết vỗ tay theo nhưng đến đoạn điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh”, không ai bảo ai, tất cả đều đồng thanh hát tiếng Việt.


Ngay sau đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên gặp bà trưởng tốp người Nhật hỏi tại sao bên đó lại biết bài này, bởi ngày giải phóng miền Nam Việt Nam đã qua lâu rồi? Bà trả lời: “Chúng tôi hát bài này không chỉ ca ngợi ngày chiến thắng 30-4 của các bạn, mà còn ca ngợi nước Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, trong các cuộc họp mặt đông đảo hai nước Việt - Nhật, chúng tôi đều hát hai bài này”. 


Thời điểm sáng tác Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên phụ trách Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh em nhạc sĩ ở đài tương đối mạnh và gần như ai cũng dồn tâm huyết sáng tác những ca khúc hướng về miền Nam ruột thịt. Hôm bất ngờ nghe đài đưa tin Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, ông với các anh em đứng ngây người một lúc nghĩ “đến Tân Sơn Nhất tức là đến Sài Gòn; mà đã đến Sài Gòn thì chỉ vài ba hôm nữa thôi là giải phóng”. Ông Trần Lâm - Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ: “Chiến thắng lần này của chúng ta là vĩ đại lắm, cho nên anh em viết một bài gì đó phải thật hoành tráng”.


Ngay đêm đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng. Sáng hôm sau, ông mang tới đài bản nhạc này. Lúc duyệt, mọi người nhận xét bài quá đơn giản và còn chưa chiến thắng nên anh em động viên nhau bài này sẽ chuẩn bị ngày 7-5 kỷ niệm giải phóng Điện Biên Phủ thì phát sóng. Vài giờ sau được tin báo: “11 giờ trưa quân ta đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập”. Ông Trần Lâm gọi Phạm Tuyên lên trao đổi, bởi Ban Tuyên huấn Trung ương cho phép Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin vui đại thắng vào lúc 17 giờ ngày 30-4. Ông Lâm hỏi về việc chuẩn bị ca khúc hoành tráng để đón ngày chiến thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể ra một số bài mình biết. Ông Lâm hỏi: “Thế ông không viết à?”. Phạm Tuyên nói ông chỉ viết được một bài ngắn và hát cho ông Lâm nghe. Nghe xong, ông Lâm nói chỉ cần bài ngắn như thế này thôi, chiều nay triệu tập đoàn ca nhạc lên để tập.


“Tôi chưa bao giờ dự một buổi thu thanh cảm động như vậy. Từ nhạc sĩ Cao Việt Bách, chỉ huy dàn hợp xướng, đến những nghệ sĩ chơi nhạc cụ và người hát đều rơi nước mắt vì sung sướng khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng. 4 giờ chiều thu xong, ông Lâm lên báo cho các anh ở Ban Tuyên huấn và các trưởng ban đối nội, đối ngoại của đài đến nghe ở phòng thu. Đúng 5 giờ chiều, sau khi phát tin đại thắng, ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng được phát liên tiếp cho đến tận 12 giờ đêm”, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể.


Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng có sức sống mãnh liệt, được nhiều thế hệ người Việt hát bằng cả trái tim mình. Điều nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động nhất là cho đến nay, ca khúc vẫn được khán giả hát ở bất kỳ nơi đâu, ngày lễ, Tết, hoặc hội nghị, liên hoan; từ đất liền đến biên giới, hải đảo, miền núi đến miền xuôi, bộ đội hay nông dân, ai cũng thuộc. Hơn thế nữa, ca khúc đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước trên khắp các châu lục. Ở Nhật Bản, ca khúc này được dịch ra tiếng Nhật và lưu hành phổ biến ở 49 tỉnh, thành. Có nhiều vị khách quốc tế, dù không biết đến một câu tiếng Việt vẫn có thể nhẩm theo giai điệu bài hát trong những dịp tham gia khánh lễ. Và 45 năm qua, những điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” vẫn vang lên bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui trong những cuộc giao lưu quốc tế.


Thanh Tùng