Nhiều năm qua, TP. Nha Trang đã cố gắng giữ gìn, phát huy giá trị bộ môn bài chòi trong nhân dân. Bước đầu, loại hình nghệ thuật này dần quay lại với đời sống xã hội, nhưng để có sức sống như xưa thì vẫn còn nhiều vấn đề cần làm.
Nhiều năm qua, TP. Nha Trang đã cố gắng giữ gìn, phát huy giá trị bộ môn bài chòi trong nhân dân. Bước đầu, loại hình nghệ thuật này dần quay lại với đời sống xã hội, nhưng để có sức sống như xưa thì vẫn còn nhiều vấn đề cần làm.
Bài chòi đã có mặt ở TP. Nha Trang từ lâu, nhất là ở làng biển của các xã, phường như: Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Lương, Vĩnh Thọ… Theo ông Nguyễn Văn Hào - người có hơn 40 năm hô, hát và tìm hiểu về bài chòi ở phường Vĩnh Trường, trước đây, bên cạnh hò bá trạo, hát bội vào dịp cúng đình, thì mỗi khi Tết đến, các làng biển đều tổ chức hô bài chòi rất vui nhộn. Nhưng đáng tiếc, trong một thời gian dài, nghệ thuật bài chòi dần mai một, người trẻ biết đến bài chòi ngày càng ít, còn lớp người già am hiểu về bài chòi cũng dần thưa vắng. Những năm gần đây, nghệ thuật bài chòi đã được quan tâm, truyền dạy nên số lượng những người yêu mến và biết hô, hát bài chòi dần tăng lên. Vào những dịp sinh hoạt của tổ dân phố, mọi người lại hát bài chòi vừa để tạo không khí vui tươi, vừa ôn lại các bài, làn điệu đã được học. Đây là điều đáng mừng. Nhưng để bài chòi có được hơi thở cuộc sống thì cần có không gian tổ chức hô, hát thường xuyên. Các trường học cũng nên đưa nghệ thuật bài chòi vào dạy để tạo niềm yêu thích cho học sinh.
Thực hiện việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, từ năm 2016 đến nay, TP. Nha Trang đã mở 3 lớp truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho hơn 200 người là hội viên các tổ chức đoàn thể, những người làm công tác văn hóa ở các xã, phường và một số người yêu mến loại hình nghệ thuật này. “Tham gia lớp học, tôi đã hiểu hơn về cách hát, các làn điệu, kiến thức chung về nghệ thuật bài chòi. Qua đây, tôi mong muốn sẽ truyền lại cho các bạn trẻ ở địa phương mình thông qua những buổi sinh hoạt đoàn”, bạn Bùi Đức Thông (phường Vĩnh Nguyên) cho biết.
Với vai trò là người truyền dạy, NSƯT Trần Nhật Lệ - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho rằng, các lớp học về nghệ thuật bài chòi chưa thể trang bị hết cho học viên những kiến thức, cách hô, hát nhưng giúp cho mọi người biết cơ bản về bài chòi hoặc hội chơi bài chòi. Điều quan trọng là từ những lớp học này sẽ có điều kiện tìm kiếm những hạt nhân để xây dựng phong trào hô, hát bài chòi.
Theo ông Bảo Thọ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Nha Trang, sau khi mở các lớp tập huấn và chọn ra được những hạt nhân tiêu biểu, trong năm 2019, sẽ thành lập câu lạc bộ bài chòi trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Từ đây sẽ nhân rộng các hình thức sinh hoạt, trình diễn nghệ thuật bài chòi vào những dịp lễ, Tết. Khi câu lạc bộ đi vào hoạt động ổn định, thành phố sẽ tái hiện không gian hô, hát bài chòi vào mỗi tối để phục vụ người dân và du khách. Lâu nay, nghệ thuật bài chòi vẫn tồn tại trong nhân dân, nhưng phong trào không mạnh và không được tổ chức bài bản. Với trách nhiệm của đơn vị xây dựng hoạt động nghệ thuật quần chúng ở cơ sở, trung tâm chỉ có thể dành những sự khích lệ nhất định thông qua các hội thi, hội diễn. Còn để phong trào thực sự phát triển sâu rộng thì cần phải có sự tổ chức, thành lập các đội nhóm với những hình thức hoạt động hiệu quả.
Theo lộ trình của thành phố, đến năm 2021, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật bài chòi và các hội hô bài chòi sẽ được diễn ra một cách thường xuyên và đi sâu xuống tận các xã, phường. Với những tín hiệu tích cực trên, những ai yêu mến bài chòi đang hy vọng vào sự hồi sinh của loại hình nghệ thuật này ở phố biển.
GIANG ĐÌNH