Năm nay, lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 5 đến 8-5 (tức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch). Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn thành.
Năm nay, lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 5 đến 8-5 (tức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch). Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn thành.
Không gian khu di tích Tháp Bà Ponagar những ngày này được trang trí đẹp mắt bởi những lá cờ hội, dây phướn, hoa, đèn nhiều màu… Theo ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, năm nay, có hơn 100 đoàn hành hương đăng ký về dự lễ hội. Bên cạnh đó, theo dự kiến của Ban tổ chức, sẽ có hàng trăm nghìn lượt người dân và du khách thập phương về chiêm bái, hành lễ lên Đức Thánh Mẫu. Để có thể đón tiếp tốt và đảm bảo không gian thông thoáng, Ban tổ chức đã thực hiện việc phân luồng vào tháp chính. Các đoàn sẽ lần lượt được bố trí di chuyển trật tự vào bên trong, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Ban tổ chức còn lắp đặt 1.000m2 nhà tiền chế trong khuôn viên khu di tích để người dân, nhất là đồng bào Chăm có thể thực hiện lễ cúng bái theo tập tục truyền thống.
Ngoài ra, công tác hậu cần phục vụ cho lễ hội cũng được Ban tổ chức quan tâm thực hiện. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, khách hành hương và người dân có thể đến khu vực nhà ăn để dùng bữa miễn phí. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho mọi người tham gia lễ hội, Ban tổ chức đã phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và chính quyền phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ để cắt cử lực lượng thường xuyên túc trực trong khu vực lễ hội. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được quan tâm, các loại hàng hóa lương thực, thực phẩm đều được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ; bên cạnh đó còn có hệ thống cất giữ thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Ban tổ chức cũng cho in phát những bản nội quy về lễ hội, hệ thống loa phát thanh trong khu di tích cũng thường xuyên thông tin đến mọi người. Đặc biệt, các vấn đề như: xin ăn, mê tín dị đoan sẽ được kiên quyết xử lý, không để nảy sinh trong thời gian diễn ra lễ hội.
Năm 2012, lễ hội Tháp Bà Ponagar đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội năm nay sẽ diễn ra với các hoạt động như: lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái với nghi thức rước kiệu đi qua khu dân cư; lễ cầu Quốc thái dân an; khai mạc lễ hội; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương. Cùng với đó là các hoạt động: dâng hương, hát văn, múa bóng lễ Mẫu của các đoàn hành hương; biểu diễn hát bội, các trò chơi dân gian, trình diễn kỹ thuật dệt vải, làm gốm của đồng bào Chăm… Với những sự chuẩn bị chu đáo, lễ hội năm nay sẽ mang đến cho người dân và du khách những khoảng thời gian trẩy hội thật ý nghĩa.
“Lễ hội Tháp Bà Ponagar là dịp để nhìn nhận và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn, tôn tạo, quảng bá hình ảnh di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của tỉnh nhà đến người dân và du khách trong, ngoài nước. Lễ hội được tổ chức trang trọng về phần nghi lễ, phong phú về phần hội, qua đó thể hiện được bản sắc văn hóa của địa phương”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
GIANG ĐÌNH