10:05, 04/05/2018

Nha Trang cần có một tòa nhà biểu diễn nghệ thuật

Có một nhà văn hóa khi đến Nha Trang đã thốt lên: "Nha Trang có tất cả những gì về hưởng thụ: nghỉ dưỡng thiên nhiên, di sản văn hóa nhưng lại thiếu một cơ sở nghệ thuật mang tính thời đại!". Rồi ông nói thêm, chúng ta biết tới Sydney qua nhà hát opera "con sò", TP. Moskva  với điện Kremlin là nhà ballet lừng danh mang tên Bolshoi… và hầu như những thành phố nổi tiếng thế giới đều gắn với bảo tàng hay nhà hát lớn biểu diễn nghệ thuật.

Có một nhà văn hóa khi đến Nha Trang đã thốt lên: “Nha Trang có tất cả những gì về hưởng thụ: nghỉ dưỡng thiên nhiên, di sản văn hóa nhưng lại thiếu một cơ sở nghệ thuật mang tính thời đại!”. Rồi ông nói thêm, chúng ta biết tới Sydney qua nhà hát opera “con sò”, TP. Moskva  với điện Kremlin là nhà ballet lừng danh mang tên Bolshoi… và hầu như những thành phố nổi tiếng thế giới đều gắn với bảo tàng hay nhà hát lớn biểu diễn nghệ thuật.


Không phải ngẫu nhiên thời Pháp thuộc, tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn đều được xây dựng nhà hát lớn để biểu diễn nghệ thuật, và theo thời gian, những tòa nhà đó không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật sang trọng, mà đã trở thành biểu tượng của văn hóa, kiến trúc đặc sắc cho nơi đó. Sang thời hiện đại, TP. Đà Nẵng đã xây dựng nhà hát Trưng Vương tầm cỡ khu vực.

 

Trung tâm hội nghị 46 Trần Phú.

Trung tâm hội nghị 46 Trần Phú.


Trở lại với Nha Trang, trước giải phóng có hệ thống rạp chiếu phim và biểu diễn nghệ thuật hoàn chỉnh: Tân Thanh, Minh Châu (Kim Đồng), Tân Tân, Tân Quang, Tân Tiến và Nha Trang. Tuy nhiên theo thời gian, hiện nay chỉ còn rạp Tân Thanh cũng là trụ sở của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống. Nhưng thực tế không có một nhà biểu diễn nghệ thuật mang tính biểu tượng.


Có người nói Trung tâm hội nghị 46 Trần Phú hiện đang là một nhà hát nghệ thuật hiện đại của Nha Trang! Nói vậy cũng không hẳn. Thực tế, trung tâm này chỉ là tổ hợp các phòng họp, hội nghị chứ chưa đạt chuẩn về một nhà hát nghệ thuật đích thực, bởi khán phòng chính khi xây dựng đã không tính tới độ chuẩn âm nên biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao không được. Đấy là chưa kể hình dáng kiến trúc “tân cổ giao duyên” không mang nét đặc trưng, càng không phải một tòa nhà có kiến trúc có giá trị. Vì thế, dù xây dựng đã lâu nhưng trung tâm này không được coi là biểu tượng của nhà hát lớn mang tính nghệ thuật thẩm mỹ như nhà hát lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và cũng không sánh với người anh em cùng thời là nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng.


Như vậy, đây là thời điểm thuận lợi để các nhà quy hoạch kiến trúc tính tới xây dựng một tòa “nhà hát lớn”  cho Nha Trang đạt chuẩn về kiến trúc thẩm mỹ cũng như công năng đích thực cho thế hệ tương lai. Bởi, sẽ có lúc du khách sẽ cảm thấy buồn khi ở một thành phố chỉ có khách sạn, nhà hàng, khu đô thị mà không có bảo tàng, nhà hát biểu diễn nghệ thuật, công trình kiến trúc tôn giáo… mang dấu ấn nổi bật. Hiện tại nếu không tính tới, dành không gian thì rất có thể trong tương lai gần không còn quỹ đất để xây dựng. Về tài chính, Nha Trang hiện có rất nhiều doanh nghiệp đủ sức hỗ trợ tài chính để làm một “kiệt tác nghệ thuật” mang tầm thời đại.


Dương Trang Hương