01:05, 07/05/2018

Nhà văn Hữu Mai với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà văn Hữu Mai (1926 - 2007) viết nhiều về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Trong đó, nổi bật nhất là các tác phẩm gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ và hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhà văn Hữu Mai (1926 - 2007) viết nhiều về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Trong đó, nổi bật nhất là các tác phẩm gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ và hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Từ “Cao điểm cuối cùng”…


 Nhà văn Hữu Mai từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô của Đại đoàn 308. Hơn ai hết, ông hiểu những nỗi gian khó của người lính trong những ngày “khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt”, nỗi khó khăn trong việc đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, khi cầm bút ông gần như đã chọn đề tài này để thể hiện. Năm 1960, ông cho ra đời tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng - tác phẩm viết về những ngày đánh chiếm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Những trang sách của Hữu Mai đã làm sống lại khung cảnh hùng vĩ, khốc liệt và vô cùng anh dũng của Điện Biên Phủ mùa xuân năm 1954. Trên nền những chiến hào bùn lầy đọng máu, những rừng hoa ban đẹp đến mê hồn là hình ảnh những người lính Điện Biên Phủ chân thật, sống động như vốn có. Bên cạnh những nhân vật có tên tuổi, chức vị, nhà văn đã dành nhiều trang viết để miêu tả tỉ mỉ, bằng một thái độ cảm phục hành động dũng cảm của những người chiến sĩ vô danh. Trong lúc bị lạc khỏi đơn vị, không có người chỉ huy, họ vẫn chiếm giữ đồn địch, tìm súng đạn của chúng bổ sung cho mình, tìm thức ăn cho đỡ đói, rồi tự mình tìm cách xông lên tiêu diệt kẻ thù…  Những trang viết ấy đã phần nào lý giải sức mạnh, chiến thắng thần kỳ của chiến dịch Điện Biên Phủ.


Đặc biệt, với Cao điểm cuối cùng, lần đầu tiên trong lịch sử văn học cách mạng Việt Nam có một tác phẩm đề cập tới những mặt tiêu cực trong chiến tranh. Viết lời tựa cho sách nhân lần in thứ hai năm 1964, Đại tướng Hoàng Văn Thái bày tỏ: “Cuốn sách đã rung động tôi vì nó đã phản ánh được khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên một trang sử chói lọi của dân tộc. Tính chân thực đặc biệt của bối cảnh lịch sử, sự việc diễn biến và các nhân vật được xây dựng nên trong cuốn tiểu thuyết đã làm cho nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, đồng thời tạo ra cho Cao điểm cuối cùng trong một chừng mực nào đó, giá trị một sử liệu”.

 

Nhà văn Hữu Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Internet

Nhà văn Hữu Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Internet

 

… Đến “Không phải là huyền thoại”


Nói đến nhà văn Hữu Mai không thể không kể đến những cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do ông thể hiện. Năm 1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 20 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị chủ trương xuất bản một tập hồi ký của các tướng lĩnh trực tiếp tham gia chiến dịch. Nhà văn Hữu Mai đã được chọn giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện. Sự kết hợp này đã cho ra đời tập sách Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ. Tiếp nối thành công của tập sách này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị nhà văn Hữu Mai chắp bút cho các cuốn hồi ức của mình. Mối lương duyên văn chương giữa vị tướng huyền thoại và nhà văn đã cho ra đời 5 tập hồi ức: Từ nhân dân mà ra (năm 1966), Những năm tháng không thể nào quên (1975), Chiến đấu trong vòng vây (1995), Đường tới Điện Biên Phủ (1999), Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (2000). Trong đó, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử đã trở thành cuốn sách kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu về trận chiến Điện Biên Phủ, và rộng hơn là về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Với cuốn sách này, người đọc không chỉ được tiếp xúc với nguồn sử liệu chân thực, sống động, mà còn nhận ra chân dung tinh thần, tầm vóc văn hóa, cốt cách vĩ nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX.

 

Nhà văn Hữu Mai đã in khoảng 60 đầu sách gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự… Những tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến: Những ngày bão táp, Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, Ông cố vấn… Ông còn là tác giả các kịch bản phim: Hoa ban đỏ, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông… Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001), Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2003 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2016.

Những năm cuối đời, ông đã dành hết tâm sức để thực hiện cuốn tiểu thuyết Không phải là huyền thoại (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008) để tri ân Đại tướng, đồng thời góp phần lý giải cho câu hỏi: Vì sao Việt Nam luôn chiến thắng các kẻ thù hùng mạnh? Chính vì vậy, dù là văn học, nhưng ở cuốn sách này, nhà văn đã đưa vào những tư liệu đầy đủ nhất, mới nhất về so sánh binh lực hai bên, tình hình chiến cuộc, về những gánh nặng, sức ép mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải mang trên vai khi nhận trọng trách làm Tổng tư lệnh… Từ đó, người đọc có thể hiểu thêm về thiên tài quân sự của Đại tướng cùng với nghệ thuật chiến tranh nhân dân mà Đại tướng vận dụng rất sáng tạo trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.


Theo tác giả Bình Ca, sinh thời, nhà văn Hữu Mai ấp ủ viết một bộ sử thi về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, khi gặp Đại tướng, ông đã từ bỏ ý định này bởi ông hiểu một điều: Đại tướng là người có thẩm quyền nhất để nói về cuộc chiến này. Giúp Đại tướng thể hiện bộ hồi ức, ông đã gián tiếp được thể hiện tâm nguyện của riêng mình. Thế nên, những ai bày tỏ sự nuối tiếc về sự nghiệp của nhà văn Hữu Mai vì đã dành quá nhiều thời gian cho bộ hồi ức của Đại tướng là chưa hiểu nhà văn, bởi với ông đó là một vinh dự, một trách nhiệm của người lính cầm bút đối với vị tướng huyền thoại.


XUÂN THÀNH