"Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba"
Câu ca dao ấy đã đi vào lòng người dân đất Việt, như một lời nhắc nhớ thiêng liêng với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"của dân tộc Việt Nam có bề dày hơn bốn ngàn năm lịch sử. Chính vì thế, hầu như người Việt nào cũng mơ ước được một lần đến thăm đất Tổ Phú Thọ - nơi tọa lạc quần thể di lích lịch sử văn hóa lễ hội rực rỡ này.
“Dù ai đi ngược về xuôi.
Nhớ ngày Giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”
Câu ca dao ấy đã đi vào lòng người dân đất Việt, như một lời nhắc nhớ thiêng liêng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”của dân tộc Việt Nam có bề dày hơn bốn ngàn năm lịch sử. Chính vì thế, hầu như người Việt nào cũng mơ ước được một lần đến thăm đất Tổ Phú Thọ - nơi tọa lạc quần thể di lích lịch sử văn hóa lễ hội rực rỡ này.
Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) là quần thể di tích lịch sử quốc gia, ghi dấu tích các Vua Hùng buổi ban đầu dựng nước, gắn với những huyền thoại được lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành niềm tự hào của dân tộc ta. Đền được xây vào thế kỷ XV, tương truyền nơi đây người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.
Từ chân núi Hùng rẽ qua Ðại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa (Thiên Quang tự). Ðền được xây vào thế kỷ XV, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.
Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản thủ đô có nói chuyện với chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các Vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho vua cha nhân dịp Tết.
Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng, nơi các Vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.
Đặc biệt, từ lăng đi xuống sẽ đến đền Giếng ở chân núi phía đông nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của Vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.
Trên đường đi khách cũng sẽ được thăm Lăng Vua Hùng. Tương truyền là mộ Vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Gióng đánh giặc Ân bay lên trời, Vua Hùng đã hóa ở đây. Trước cửa đền có mọc loại cây lạ mọi người thường gọi là Cây Rà Đẹt Đền Hùng có hoa đẹp màu vàng cam sặc sỡ và đặc biệt là hoa mọc từ thân nên rất hợp trồng làm cây cảnh, trồng trong đền chùa, hoa nấu canh ăn ngon, vỏ cây có tác dụng chữa nhiều bệnh.
Đến đền Hùng ngày nay, du khách không chỉ hành hương, tri ân công đức các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh mà còn được thăm viếng đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ - nơi quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa, thể hiện tâm thức và đạo hiếu của con dân đất Việt. Truyền thuyết về bọc trăm trứng đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt từ bao thế hệ, trở thành mối gắn kết bền chặt để vượt qua bao khó khăn trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
TÂM AN