"Am Chúa hiển Nhân, Tháp Bà hiển Thánh", từ bao đời nay, câu nói trên đã đi vào lòng người dân xứ Trầm Hương gắn liền với tục thờ Mẫu. Và cứ đến những ngày tháng 3 âm lịch hàng năm, dòng người lại nô nức trẩy hội Am Chúa với tâm niệm thành kính được về bên Mẹ.
“Am Chúa hiển Nhân, Tháp Bà hiển Thánh”, từ bao đời nay, câu nói trên đã đi vào lòng người dân xứ Trầm Hương gắn liền với tục thờ Mẫu. Và cứ đến những ngày tháng 3 âm lịch hàng năm, dòng người lại nô nức trẩy hội Am Chúa với tâm niệm thành kính được về bên Mẹ.
Lễ hội Am Chúa năm nay diễn ra từ ngày 16 đến 18-4 (tức từ mùng 1 đến mùng 3-3 âm lịch). Trên các con đường dẫn vào khu di tích Am Chúa trên núi Đại An (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), người và xe tấp nập. Về với lễ hội, người dân thập phương mang theo những lễ vật bình dị, đó là các loại nông sản do mình làm ra, là hương hoa, trái cây và những lời hát, điệu múa. “Mình là con nên khi về với Mẹ thì có gì dâng lên thứ đó, không câu nệ lễ vật sang hèn. Về với Mẹ cốt để thể hiện tình cảm của mình”, bà Nguyễn Thị Vân - phường Cam Thuận (TP. Cam Ranh) cho biết. Còn bà Nguyễn Thị Mau - thành viên đoàn hành hương Kim Thiền Suối Đổ (thị trấn Diên Khánh) chia sẻ, suốt mấy chục năm nay, năm nào bà cũng theo đoàn về dự Lễ hội Am Chúa. Mọi người cùng nhau ôn lại những lời ca, điệu múa sao cho hay, cho đẹp, còn lễ vật dù không cầu kỳ nhưng phải được xếp đặt sao cho đẹp.
Ông Phan Văn Trí - Chủ tịch UBND xã Diên Điền, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, dự kiến có khoảng 10.000 lượt người dân và khách thập phương về tham gia lễ hội. Để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho lễ hội, chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện trong công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, cũng như sự phối hợp tốt giữa địa phương và các bên liên quan nên tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát. Lễ hội năm nay đã giải quyết được vấn đề xin ăn, trộm cắp, cướp giật, hoạt động bói toán mê tín dị đoan. Đặc biệt, Ban tổ chức lễ hội nghiêm cấm hoàn toàn hành vi đốt vàng mã. Đối với các đoàn hành hương có đăng ký với Ban tổ chức đều được bố trí chỗ ăn, ở phù hợp.
Theo ông Lương Duy Hinh - Trưởng Ban quản lý di tích Am Chúa, lễ hội năm nay có hơn 200 đoàn hành hương đăng ký với Ban tổ chức. Số lượng các đoàn hành hương lớn nên việc sắp xếp, bố trí cho các đoàn vào hành lễ đòi hỏi phải thật chu đáo. Lễ hội diễn ra với các hoạt động như: dâng hương, dâng hoa lễ Mẫu; lễ tế cổ truyền do các bô lão trong vùng đứng ra thực hiện; lễ cúng ngọ trong 3 ngày lễ hội. Bên cạnh đó là nghi thức hành lễ của các đoàn hành hương. Mỗi đoàn đến với lễ hội ngoài việc dâng lễ vật, cầu mong cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đạo bình an thì còn thực hiện những tiết mục biểu diễn hát văn, múa bóng đặc sắc. Trong những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt, các đoàn hành hương thay phiên nhau để hát múa ca ngợi công đức của Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Tiếng đàn, tiếng hát, điệu múa rộn ràng, uyển chuyển hòa quyện vào nhau mang đến bầu không khí lễ hội đặc trưng trong tục thờ Mẫu của cộng đồng người Việt.
Giang Đình
Theo truyền thuyết, núi Đại An xưa kia là nơi giáng trần của đức Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Bà là người có công dạy dân cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra lễ nghi… Nhờ công đức của bà nên ruộng nương trong vùng được mở rộng, đời sống người dân ngày thêm sung túc. Bà còn có công phù hộ giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhớ ơn đức của bà nên người dân đã tạc tượng, lập đền thờ Am Chúa ở lưng núi Đại An nơi bà hiển Nhân. Hàng năm, vào ngày bà giáng trần, người dân lại tổ chức lễ hội với những màn hát văn, múa bóng, dâng hoa rất long trọng. Hiện nay, di tích Am Chúa đang lưu giữ được nhiều sắc phong có giá trị của triều đình nhà Nguyễn. Trong đó có sắc phong của vua Tự Đức cho phép dân chúng thờ phụng Thiên Y A Na. Năm 1999, di tích này được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.