Người già thì đọc sách gì nhỉ?
Tôi hỏi thế là bởi một buổi sáng thấy người cha đã 70 tuổi chạy xe đến thư viện thành phố làm cái thẻ rồi mang về một cuốn sách dày cộp. Nhìn mái đầu bạc đi tìm đôi mắt kính lão, ngồi tựa cửa ở ngay ban công cắm cúi đọc, hỏi sách có gì hay mà ba đọc. ....
Người già thì đọc sách gì nhỉ?
Tôi hỏi thế là bởi một buổi sáng thấy người cha đã 70 tuổi chạy xe đến thư viện thành phố làm cái thẻ rồi mang về một cuốn sách dày cộp. Nhìn mái đầu bạc đi tìm đôi mắt kính lão, ngồi tựa cửa ở ngay ban công cắm cúi đọc, hỏi sách có gì hay mà ba đọc. Chìa ra cái tựa sách Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, ba rằng, ba tìm thấy một phần đời mình, anh chị em mình và cả ông nội, ông cố trong đó, cái thời cải cách ruộng đất ấy.
Có hôm lại thấy ba mang về cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh. Cuộc chiến không có trong ký ức ba, nhưng lại đeo đẳng trong ba từ ký ức của những người ruột thịt, dây mơ rễ má với mình. Đây chiến trường K nơi chú tôi bị mất 4 ngón tay khi bị địch bắn tỉa; nơi nỗi đau người em vợ mới tuổi đôi mươi đã nằm lại một chiều 30 Tết nào đấy bên đất Lào xa xôi, để năm 2008 mới được về lại mảnh đất quê nhà.
Có khi ba mượn đâu cuốn 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, từ cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp, lễ tiết... Ba bảo hay lắm con ạ, sống gần hết đời người rồi, cũng mấy chục năm ở quê chứ có ít đâu, rồi đi đây đi đó mà có những phong tục ba lần đầu mới biết. Đọc để không còn lúng túng như kiểu lần đầu ba đi hỏi vợ cho con trai.
Và cứ vậy, chừng như 2 - 3 tuần một cuốn, cũng có khi dài thời gian hơn vì sáng sáng lại phải vào viện tập vật lý trị liệu bởi cái chân cái tay mấy hôm rồi đau nhức. Mỗi trưa, chiều lại lật giở ít trang, chậm rãi đọc mà như nhắc nhớ. Được cái sách đều là bản in hiện đại nên giấy trắng tinh, bìa cứng, không giống như mấy cuốn cũ mèm nằm trong kho.
Chẳng biết có phải từ trong trang sách bước ra không mà trong bữa cơm, những đứa con trai, con gái lại nghe ba kể chuyện thời xưa. Chuyện nhà mình cách đây mấy chục năm, thời còn ông cố ruộng vườn thẳng cánh cò bay, đất đai trù phú. Rồi đến thời kỳ cải cách ruộng đất… Giờ đất quê nhà mình chỉ còn mỗi mảnh, là nơi ba vẫn đi về hàng năm, khi vào tiết thanh minh, khi giỗ chạp… Chuyện ba phải đi ở đợ nhà bà giáo để nhà đỡ một miệng ăn; hay có thời kỳ ba đi học cũng phải đi lén. Chuyện ba được điều động vào Nam, bất ngờ gặp được đứa em trai hành quân qua vùng đất ba ở mà mừng rơn…
Sách của người già còn là mấy cuốn sách thuốc, giấy đen òm, đã cũ kỹ, bong tróc. Vậy mà mái đầu bạc cứ tỉ mẩn cắt từng miếng băng keo trong dán từng tờ, từng cuốn. Có lúc bảo với con như tự trách mình rằng, hồi xưa ba cứ cuốn theo công việc, chẳng có thì giờ để nghĩ ngợi câu nói của ông nội con rằng nội muốn trong 6 anh em có một đứa theo nghề thuốc của nội. Nội không cần các con phải chữa được bệnh cho người ta, mà chỉ cần có thể tự chữa cho mình những bệnh vụn vặt. Tuổi già, người cứ xộc xệch, hết bệnh này đến bệnh kia, lại ước chi có nội kề bên để học những bài thuốc giản đơn cho mình. Giờ thì còn mấy cuốn sách thuốc gắn bó cả đời nội để lại, những bài thuốc nội cẩn thận chép ra 6 cuốn cho 6 đứa con…
Vậy ra người già đọc sách cũng chỉ là muốn đọc lại những khoảnh khắc đời mình, những người xung quanh mình ngày cũ, nay đã không còn hay cũng gần đất xa trời như mình. Những câu chuyện mà mấy đứa con, đứa cháu, lớp trẻ bây giờ nào biết và nào hiểu được. Cứ như đứa cháu nội ở nhà lười đọc lắm, cũng may là còn thích nghe nội kể chuyện hồi xưa, lâu lâu lại buột miệng bảo sao hồi đó khổ thế nhỉ. Ừ cái khổ nào thì giờ cũng qua rồi. Nhưng già vẫn thích kể chuyện xưa, để cháu con biết được cuộc đời của cha ông chúng, dù rằng ông giờ cũng như những trang cuối của cuốn sách đời mình mà thôi.
BÍCH THUẦN