Cho đến bây giờ, nhiều lớp người đã có tuổi đều nhớ đến bài hát "Về thăm mẹ" của nhạc sĩ Trần Chung, ra đời trong thập niên 1980. Đây thực sự là một chiếc khăn lụa mượt mà ấm áp, tràn ngập tình thương yêu của người chiến sĩ dành cho người mẹ ở quê thời chiến.
Cho đến bây giờ, nhiều lớp người đã có tuổi đều nhớ đến bài hát “Về thăm mẹ” của nhạc sĩ Trần Chung, ra đời trong thập niên 1980. Đây thực sự là một chiếc khăn lụa mượt mà ấm áp, tràn ngập tình thương yêu của người chiến sĩ dành cho người mẹ ở quê thời chiến.
Về thăm mẹ là ca khúc nói về mẹ nổi tiếng tiếp nối bài hát Tấm áo mẹ vá năm xưa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hơn 10 năm trước. Về thăm mẹ là một hồi ức, nỗi nhớ quê hương qua hình ảnh người mẹ của người lính trẻ trên đường hành quân. “Rạo rực niềm vui nhớ về thăm mẹ. Rộn ràng bàn chân đường quê mong nhớ. Mẹ già của tôi như cây khô chồi biếc lên xanh”. Khúc mở đầu đã thể hiện sự cháy bỏng nhớ thương của người con về mẹ. Nhạc sĩ Trần Chung sinh thời kể lại, những lần đi thực tế cùng đồng nghiệp tới các đơn vị bộ đội, được gặp những chiến sĩ trẻ, nhạc sĩ hỏi cháu nhớ ai lúc hành quân? Nhiều chiến sĩ nói nhớ mẹ! Chỉ nhớ mẹ thôi, nhất là lúc hành quân qua miền đồng bằng lên miền bên giới nhìn lũy tre, làn khói đống rơm rất thèm được ăn bữa cơm mẹ nấu! Nghe thế, nhạc sĩ trào nước mắt.
Nhạc sĩ đã thay mặt người lính kể câu chuyện bình thường giản dị mà lúc đó có khi chỉ là ước mơ và đau đớn hơn là giấc mơ dang dở khi người lính từ lúc rời bàn tay mẹ ra chiến trường sẽ không quay lại nữa. “Nắm đôi bàn tay, nghe mẹ nghẹn ngào. Niềm vui sướng theo dòng lệ rơi. Chuyện buồn chuyện vui, nhớ chuyện chiến trường, chuyện làng quê, chuyện người yêu dấu”… Cứ thế, từ trong tiềm thức hồi nhớ và ước mơ cho tới hiện thực, người lính tràn ngập hạnh phúc khi có mẹ bên mình.
Đoạn kết thể hiện tất cả tư tưởng thời đại khi đó: Tổ quốc và mẹ! “Dọc đường hành quân con mang theo hình bóng quê hương, mang bóng dáng mẹ già yêu thương”. Nhạc sĩ Trần Chung giãi bày, đây là thực tế rất đúng với tâm hồn suy nghĩ của nhiều chiến sĩ khi đó, bởi họ rất trẻ, gần như vừa rời tay mẹ vào đời lính.
Nét nhạc của Trần Chung trong veo, giàu tình cảm tự nhiên, được lồng nhiều tư tưởng rất đời nhưng lại trau truốt như lời ru của mẹ. Rất tuyệt vời bài hát được dành cho danh ca Kiều Hưng, người có giọng hát thiên bẩm pha chút dân ca Bắc bộ thể hiện. Kiều Hưng hát với âm vực vừa phải, những nốt luyến cao được xử lý rất nhuyễn làm người nghe nhói tim như nỗi nhớ hạnh phúc của chính mình. Không phải ngẫu nhiên trong một lần trở về Hà Nội sau thời gian dài sống, làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, ca sĩ Kiều Hưng được Đài Truyền hình Trung ương cho thu bài hát Về thăm mẹ để tặng công chúng. Bản thu này hiện được lưu trên Youtube, luôn được người nghe nhạc mở xem.
Nhạc sĩ Trần Chung là thế hệ của lớp thời chống Mỹ, ông là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng: Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Bài ca Trường Sơn, Mùa xuân đến rồi đó, Chiều biên giới, Nhớ rừng Cúc Phương…, được tặng giải thưởng Nhà nước về nghệ thuật. Với bài hát Về thăm mẹ, ông là nhạc sĩ viết về mẹ bất hủ. Điều này thật hiếm nên quý giá biết bao.
Dương Trang Hương