Sau 1 tuần triển khai việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) và thực hiện số hóa truyền hình mặt đất, người dân đã xem được nhiều kênh có chất lượng kỹ thuật tốt, nội dung phong phú.
Sau 1 tuần triển khai việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) và thực hiện số hóa truyền hình mặt đất, người dân đã xem được nhiều kênh có chất lượng kỹ thuật tốt, nội dung phong phú.
Theo đúng lộ trình, từ ngày 31-12-2017, việc phát sóng analog tại 2 trạm phát sóng ở Nha Trang, Vạn Ninh được ngừng lại để chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Cùng với đó, các đơn vị chức năng thực hiện lắp đặt máy móc thiết bị, hỗ trợ đầu thu cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để đẩy nhanh việc thực hiện số hóa truyền hình mặt đất.
Có mặt tại một số hộ thuộc diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đầu thu truyền hình số, chúng tôi nhận thấy người dân phấn khởi khi xem được nhiều kênh truyền hình có chất lượng. “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo nên không có điều kiện để mua đầu thu kỹ thuật số hay ti vi hiện đại. Nhiều năm qua, gia đình chỉ trông chờ vào việc bắt tín hiệu bằng ăng ten thường nên xem được rất ít kênh và hình ảnh, âm thanh rất kém. Bây giờ được hỗ trợ lắp đầu thu truyền hình số, nhà tôi đã xem được đến 40 kênh và chất lượng hình ảnh rất tốt”, bà Nguyễn Thị Nở - số 100/1 đường Trần Quý Cáp (phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) cho biết. Cùng chung niềm vui đó, bà Hà Thị Thơm - số 138/2 đường 2-4 (phường Vạn Thạnh, Nha Trang) chia sẻ, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, nên sau khi được hỗ trợ lắp đầu thu truyền hình số thì gia đình đã có thể xem được 41 kênh sóng, trong khi trước đây, hôm nào tín hiệu tốt thì cũng chỉ xem được kênh VTV1 và KTV, nhưng chất lượng cũng kém.
Theo bà Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng phòng Bưu chính và Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông), đến ngày 31-12-2017, các cơ quan chức năng đã hoàn thành xong việc hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất cho 2.768 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP. Nha Trang. Đến nay, 1.232 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 10 xã, thị trấn bị ảnh hưởng ở huyện Diên Khánh cũng được hỗ trợ xong việc lắp đặt đầu thu truyền hình số. Riêng tại huyện Vạn Ninh, do trạm phát sóng được đặt trên cột ăng ten của Đài Truyền thanh - Tiếp hình huyện đã bị gãy trong cơn bão số 12, do đó phải chờ khắc phục xong cột ăng ten thì mới hỗ trợ đầu thu cho người dân. “Sau khi lắp đặt đầu thu cho người dân ở TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh, chúng tôi đã cùng với đại diện nhà thầu thi công là Công ty TNHH Kỹ thuật BENTA - CTIN đi kiểm tra tại các hộ. Qua đó cho thấy, tín hiệu truyền hình tại các gia đình được hỗ trợ có chất lượng tốt; số lượng kênh sóng thu được nhiều. Trong đó, những kênh sóng trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đều có tín hiệu thu tốt”, bà Thủy nói.
Theo ông Nguyễn Chí Hoài - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, sau khi lắp đặt máy phát sóng số mặt đất, qua kiểm tra cho thấy diện phủ sóng tốt, cường độ điện trường cao, đảm bảo tính ổn định. Chất lượng truyền hình tại ti vi của các hộ so với tại chính trụ sở đài tương đương nhau. Các hiện tượng nhiễu sóng, tín hiệu bị hạt, bị bóng ma… đã được khắc phục hoàn toàn. Đến nay, đơn vị vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi của người dân về nhược điểm của việc phát sóng số mặt đất. Trước đó, đài đã thực hiện việc truyền sóng KTV thông qua Truyền hình cáp Nha Trang, Truyền hình cáp VCTV, Internet MyTV, Internet NextTV…
Một vấn đề khác cũng được lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa quan tâm chính là việc nâng cao chất lượng nội dung của các chương trình phát sóng. “Bước sang năm 2018, đài đã xây dựng nhiều chương trình có format hấp dẫn. Ngay cả các chương trình thời sự cũng có sự thay đổi trong cách thể hiện”, ông Nguyễn Chí Hoài cho biết thêm.
Có thể thấy, trong khoảng thời gian đầu thực hiện việc số hóa truyền hình mặt đất đã mang đến những tín hiệu tích cực đối với cả người dân và các đơn vị chức năng. Điều này cho thấy sự đúng đắn trong việc thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh.
NHÂN TÂM