10:09, 08/09/2017

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Nắng tỏa chiều nay

Ra đời đầu thập niên 1960, nhưng đến nay ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn là một trong những ca khúc viết về chủ đề biển cả hay nhất với vẻ đẹp hoàn mỹ từ lời ca tới giai điệu và tư tưởng thể hiện.

Ra đời đầu thập niên 1960, nhưng đến nay ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn là một trong những ca khúc viết về chủ đề biển cả hay nhất với vẻ đẹp hoàn mỹ từ lời ca tới giai điệu và tư tưởng thể hiện.

 

Nói đến Xa khơi, khán giả lớp lớn tuổi đều nhớ đến ca sĩ - NSƯT Tân Nhân (1932 - 2008), người thể hiện đầu tiên bài hát trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam. Quả thực, nghe Xa khơi qua giọng hát Tân Nhân với chất lượng thu mono thời đó, thính giả bây giờ ban đầu hơi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, nghe vài lần thì họ đều công nhận Xa khơi là “của” Tân Nhân chứ không phải của: Thu Hiền, Lê Dung, Anh Thơ, Tân Nhàn, Phương Thảo… sau này. Tất nhiên, mỗi ca sĩ đều có nét riêng thể hiện vẻ đẹp của bài này. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ thì bài hát này viết cho giọng nữ cao, Tân Nhân là ca sĩ nữ cao nổi tiếng thập niên 60 - 70 nên phù hợp. Hơn thế nữa, không ai hát hay hơn bà vì bà chính là người con quê hương Gio Linh, Quảng Trị, mảnh đất bên kia cầu Hiền Lương vĩ tuyến 17. Nói theo một góc riêng, người bạn yêu của bà - nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ở nơi đó, do vậy bà hát không chỉ bằng kỹ thuật mà cả tâm hồn cháy bỏng, nhớ thương về sự cách trở đúng với tinh thần của Xa khơi.


Theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, đầu năm 1958, ông cùng nhiều nhạc sĩ đi thực tế ở miền Vĩnh Linh sống hàng tháng trời bên bờ bắc sông Bến Hải. Nơi đây, chàng trai 21 tuổi (Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936, quê Thanh Chương, Nghệ An) thấy những người mẹ, người vợ, người con nhìn về phương nam ngậm ngùi nước mắt vì sự chia cách… Nguyễn Tài Tuệ với tâm hồn đa cảm đã nâng những làn điệu dân ca ví dặm xứ Nghệ quê mình thành những giai điệu sơ khai. Ông vốn là người có máu văn chương, pha chút triết lý khi ví hình ảnh thực tế “kìa biển rộng, con nục con măng lướt sóng đôi bờ tung tăng, con chuồn bay nơi nơi. Con giang chiều gọi bạn đường xa…”, tất cả chúng tự do bơi lội, bay lượn trong làn nước hay bầu trời mà sao con người không làm được điều đó? Đó chính là tư tưởng của Xa khơi sau này.

 

 

Mãi tới năm 1963, khi có phong trào ủng hộ đồng bào miền Nam đồng khởi, Hội Nhạc sĩ cùng Ban Thống Nhất tổ chức cuộc thi ca khúc, Nguyễn Tài Tuệ đã nộp bài hát này dự thi. Cũng nói thêm, Xa khơi được viết vào đầu những năm 1960, cùng với ca khúc nổi tiếng Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Gửi noong ơi, khi nhạc sĩ đang ở miền Tây Bắc, Việt Bắc. Ban đầu, bài hát suýt bị bỏ nhưng may có một vị tướng có tâm hồn nghệ sĩ đã biết và yêu cầu xem lại. Theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, chỉ khi đưa cho ca sĩ Tân Nhân thu âm trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì bài hát thực sự được công chúng yêu thích và đạt giải nhì (không có giải nhất). Xa khơi cùng với Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người của Trần Kiết Tường là 2 ca khúc trong số hàng trăm bài của cuộc thi đó sống mãi đến hôm nay.


Xa khơi có 2 đoạn, đoạn 1 chậm rãi, đầy trang trải: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi. Gió lộng buồm, mây ươm chân trời. Biển lặng sóng thuyền em giong khơi…” diễn tả một không gian bình yên đầy đặn, tưởng như vĩnh viễn và bất biến. Biển ở đây phẳng lặng đến vô tận, nắng mới ươm ở chân trời. Đoạn 2 nhanh, sinh động: “Ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ”. Giai điệu từng đợt, từng đợt, như sóng xô vào bờ. Chất liệu của ca khúc không gì hơn chính là làn điệu hò ví dặm quê hương tác giả. Vì thế nó trở lên mượt mà sâu lắng, đi vào lòng người tự nhiên.


Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ thành công từ rất trẻ, mới 30 tuổi ông đã hoàn thành sự nghiệp âm nhạc của mình với: Xa khơi, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Mùa xuân gọi bạn (được làm ca khúc chính thức của Việt Nam dự Liên hoan thanh niên quốc tế 1964). Khác với nhiều nhạc sĩ, ông coi chất hơn lượng, vì thế có một giai thoại khi Hội Nhạc sĩ tài trợ cho các nhạc sĩ làm album, ông chỉ chọn đúng 10 bài trong khi tiêu chuẩn là 12 bài. Trong sự nghiệp hơn 60 năm sáng tác, nghiên cứu, ông nhẩm tính chỉ có khoảng 15 bài, tuy nhiên đó toàn là những bài hát nổi tiếng, sau này ông có thêm bài Xôn xao bến nước, Mơ quê cùng một số bản khí nhạc. Tuy ít nhưng cái tên Nguyễn Tài Tuệ thực sự làm đồng nghiệp kính nể, công chúng ngưỡng mộ như một nhạc sĩ đưa làn điệu dân ca xứ Nghệ, miền Tây Bắc, Việt Bắc thành công nhất. Với Xa khơi - Nguyễn Tài Tuệ sẽ sống mãi với người yêu nhạc.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG