04:09, 02/09/2017

Ký ức Tết Độc lập

Người dân quê tôi vẫn quen gọi ngày Quốc khánh 2-9 là Tết Độc lập. Trong ký ức tuổi thơ tôi, Tết Độc lập luôn bắt đầu bằng việc ba tôi sửa soạn bàn thờ, lau bụi trên tấm ảnh Bác Hồ. Ở làng tôi hồi đó, nhiều gia đình lập bàn thờ Tổ quốc, trên bàn thờ bao giờ cũng có lá cờ đỏ sao vàng treo ở sau, ảnh Bác Hồ phía trước.

Người dân quê tôi vẫn quen gọi ngày Quốc khánh 2-9 là Tết Độc lập. Trong ký ức tuổi thơ tôi, Tết Độc lập luôn bắt đầu bằng việc ba tôi sửa soạn bàn thờ, lau bụi trên tấm ảnh Bác Hồ. Ở làng tôi hồi đó, nhiều gia đình lập bàn thờ Tổ quốc, trên bàn thờ bao giờ cũng có lá cờ đỏ sao vàng treo ở sau, ảnh Bác Hồ phía trước. Lớn lên chút nữa, tôi biết đến Tết Độc lập với những câu thơ đầy sắc nắng vàng của nhà thơ Tố Hữu: “Hôm nay sáng mồng hai, tháng chín/Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình…” in trong sách Tiếng Việt lớp 2. Cho đến bây giờ, tôi vẫn lâng lâng cảm xúc khi nhớ lại cảnh cùng đám bạn thi nhau đọc đoạn thơ trên đường làng. Lũ học trò nhà quê ngày ấy chưa đủ lớn khôn để hiểu hết ý nghĩa lớn lao về ngày độc lập, nhưng đã cảm nhận đó là điều thiêng liêng, trọng đại với dân tộc.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp  xem lễ hội đua thuyền truyền thống của quê nhà. Ảnh Internet

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem lễ hội đua thuyền truyền thống của quê nhà. Ảnh Internet


Không biết từ bao giờ, người dân quê tôi có thói quen ăn Tết Độc lập. Ngày đó, mọi công việc đồng áng dù bận bịu đến đâu gần như đều được ngừng lại, mọi gia đình thường tổ chức ăn uống, vui chơi. Ngoài Tết Trung thu, Tết cổ truyền, ngày còn nhỏ, tôi vẫn luôn mong chờ đến Tết Độc lập. Ngày đó, chúng tôi được ăn những món ngon mẹ nấu, được sống trong không khí rộn ràng náo nức của một làng quê yên bình với tiếng nhạc hào hùng và những lá cờ phần phật bay trong gió. Ngày Tết Độc lập 2-9, cả gia đình về quê. Những ngày ấy, bao giờ lũ trẻ chúng tôi cũng thường nghe ông nội kể những ngày tháng nghèo khó, lầm than trước Cách mạng tháng Tám 1945. Sau những chuyện ngày xưa, bao giờ ông cũng kết lại bằng câu nói tất cả nhờ Bác Hồ, nhờ có cách mạng… và không quên dặn dò đám cháu phải chăm ngoan, học giỏi.  


Đặc biệt, Lệ Thủy (Quảng Bình) quê tôi có hội đua thuyền vào đúng ngày Tết Độc lập. Người quê tôi ai cũng thuộc câu ca: “Dù ai đi Tây, đi Đông/Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà/Về mà xem hội quê ta/Dòng sông bơi trải nhà nhà cờ bay”. Người già kể rằng, hội đua thuyền có từ hàng trăm năm trước. Trước kia, hội đua thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch, nhưng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công,  huyện Lệ Thủy tổ chức lễ hội đua thuyền đúng ngày 2-9-1946, kỷ niệm 1 năm ngày nước Việt Nam độc lập. Cũng từ đó, lễ hội luôn được diễn ra trong ngày thiêng liêng này và nó được gọi là lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập. Suốt cả tháng trời, trai tráng trong vùng tập luyện để chờ ngày thi tài. Trước khi diễn ra hội đua thuyền của huyện, nhiều xã còn tổ chức giải để chọn ra đội mạnh nhất đua tranh với xã bạn. Ngày diễn ra hội đua thuyền, người đứng chật hai bờ sông Kiến Giang để xem. Tiếng reo hò cổ vũ, tiếng mõ, tiếng phách lại vang vọng cả dòng sông. Thuyền nào đi qua, người dân cũng cổ vũ nhiệt tình, té nước, reo hò chứ không phân biệt làng anh, làng tôi. Đó là nét văn hóa, tinh thần thượng võ, tinh thần cộng đồng đặc biệt của người dân Lệ Thủy nói riêng, người Việt nói chung. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người con của đất Lệ Thủy) cũng nhiều lần về quê để tham dự lễ hội đua thuyền truyền thống. Có lần, khi có người báo công năm nay đội đua làng An Xá quê ông “giành giải nhất”, Đại tướng đã nhắc nhở là phải dùng từ “đoạt” chứ không thể nói là “giành”, bởi truyền thống của người Việt là đoàn kết. Có đoàn kết mới giành được độc lập!


Sau này lớn lên, đi xa mới biết không chỉ người dân quê tôi mà nhiều miền quê trên đất nước Việt Nam có truyền thống ăn Tết Độc lập. Ở Nha Trang, luôn có chương trình ca múa nhạc chào mừng, phố phường rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Năm tháng đi qua, bây giờ, chẳng còn mấy ai gọi ngày 2-9 là Tết Độc lập mà chỉ gọi là ngày Quốc khánh. Ý nghĩa của một cái Tết đặc biệt dường như không còn đậm sâu như xưa. Và tôi thầm mong, ngày nào đó trên những tờ lịch ngày 2-9 sẽ được ghi là Tết Độc lập, ngày 30-4 là Tết Thống nhất như một thời người dân quê tôi thường gọi!


THÀNH NGUYỄN