Thị trường sách hôm nay, sách tản văn lên ngôi và đó là xu thế. Tuy nhiên, ngoài những cuốn do những cây bút chuyên nghiệp viết thì đồng hành với đó là dòng sách mà khi đọc ta chỉ có thể nói đó là "đoạn văn", hoàn toàn không có hương vị văn học. Đây là điều rất đáng buồn cho văn học hôm nay.
Thị trường sách hôm nay, sách tản văn lên ngôi và đó là xu thế. Tuy nhiên, ngoài những cuốn do những cây bút chuyên nghiệp viết thì đồng hành với đó là dòng sách mà khi đọc ta chỉ có thể nói đó là “đoạn văn”, hoàn toàn không có hương vị văn học. Đây là điều rất đáng buồn cho văn học hôm nay.
Đảo quanh kệ sách văn học của các nhà sách, bạn đọc sẽ gặp vô vàn những quyển sách in lại từ facebook, đó là những dòng viết về tâm trạng, bày tỏ hay tâm sự cá nhân. Có cả những quyển sách in dày, to, đẹp của một tác giả chẳng phải là cây bút văn gì, mà chỉ là người có liên quan tình cảm với một anh chàng diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Chỉ xem sơ, người đọc sẽ thấy bao điều về tác giả với chàng diễn viên kia mà phần lớn là trách cứ, dỗi hờn hay cay cú… Điều đó cho thấy trong dòng sách hiện nay có loại in kiểu “câu view” được công chúng thích vì tò mò muốn biết những chuyện đời tư.
Có một dạng khác là sách của những cây bút trẻ, viết theo phong cách mới, ngắn gọn với đủ thứ trên trời dưới biển. Những cuốn sách này phần lớn không chú trọng ngôn ngữ văn học hay nội dung nên người am hiểu về văn sẽ rất hoang mang không biết xếp loại sách này thuộc dòng nào.
Dù nhiều quyển sách in với số lượng tốt, tái bản nhưng chắc chắn sức sống của nó sẽ nhanh chóng lụi tàn trong tương lai gần như “tiểu thuyết ba xu” thập niên 1990 - loại sách dày in chữ to, cách rộng. Có một điều lạ là hiện nay nhiều tác giả của dòng này giờ chuyển thể các “tiểu thuyết” đó thành kịch bản truyền hình nhiều tập (!).
Vẫn biết mỗi thời mỗi khác, nhưng về quy chuẩn mẫu mực hàng nghìn năm trí tuệ con người sáng tạo ra văn học thì vẫn vĩnh cửu. Chỉ có điều, nếu một giai đoạn phát triển “biến thái” thì sẽ là một lỗ hổng cho giới đọc hiện tại.
Dương Trang Hương