Tháng 9 về, người dân Việt Nam lại trào dâng niềm xúc động nhớ về ngày Độc lập 2-9-1945.
Tháng 9 về, người dân Việt Nam lại trào dâng niềm xúc động nhớ về ngày Độc lập 2-9-1945.
Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, toàn dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Khí thế cách mạng như nước vỡ bờ đó đã được nhà thơ Tố Hữu khắc ghi bằng những vần thơ hào hùng: Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời (Huế tháng Tám); Lời Đảng gọi, một ngày sấm nổ/Biển người dâng ngập phố ngập đồng/Mùa thu Cách mạng thành công/Mùa thu đây, hỡi cờ hồng vàng sao (Theo chân Bác). Cách mạng thành công đã thổi bùng lên ngọn lửa tự hào trong muôn triệu người dân Việt Nam. Nhớ lại giờ phút thiêng liêng cả dân tộc đứng lên giành chính quyền, nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết những câu thơ đầy tính sử thi: Súng nổ rung trời giận dữ/Người lên như nước vỡ bờ/Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước). Sự hứng khởi được làm dân một nước độc lập lan tỏa đến tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng đã thoát ra khỏi tháp ngà cô đơn hòa mình cùng sự đổi thay của cả dân tộc. Trong mùa thu cách mạng, Xuân Diệu đã nhanh chóng hoàn thành trường ca Ngọn quốc kỳ với những lời thơ sung sướng đến tột cùng: Gió reo! Gió reo, gió Việt Nam reo/... Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/Những ngực nén hít thở ngày Độc lập.
Bao nhiêu năm đợi chờ, ngày lịch sử cũng đã đến! Ngày 2-9-1945, giữa Quảng trường Ba Đình vàng tươi sắc nắng, tràn ngập cờ đỏ sao vàng và hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho đồng bào cả nước, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đã có rất nhiều vần thơ, ca khúc viết về thời khắc lịch sử ấy, nhưng được nhiều người biết đến hơn cả là những vần thơ của Tố Hữu: Hôm nay sáng mồng hai tháng Chín/Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín/Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!/ Người đứng trên đài, lặng phút giây/Trông đàn con đó, vẫy hai tay/Cao cao vầng trán, ngời đôi mắt/Độc lập bây giờ mới thấy đây! (Theo chân Bác). Chỉ một câu thơ ngắn gọn “Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín” nhưng nhà thơ đã diễn tả sự mong chờ, sự trang nghiêm trước giây phút Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập. Không chỉ toàn dân Việt Nam, mà tất cả cỏ cây vạn vật cũng câm nín để lắng nghe những lời tuyên bố bất hủ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 25 năm sau khi viết Theo chân Bác (năm 1970), nhà thơ Tố Hữu vẫn nhớ như in những gì đã diễn ra ở thời khắc ấy: Người đọc tuyên ngôn rồi chợt hỏi/Đồng bào nghe tôi nói rõ không?/Ôi! Câu hỏi hơn một lời kêu gọi/Rất đơn sơ mà ấm bao lòng/Cả muôn triệu một lời đáp: Có!/Như Trường Sơn say gió Biển Đông/Vâng! Bác nói chúng con nghe rõ/Mỗi tiếng Người mang nặng tiếng non sông...
Sau hơn 80 năm trời nô lệ, đất nước Việt Nam như được tái sinh. Nhớ lại khoảnh khắc diệu kỳ đó, nhà thơ Xuân Thủy đã xúc động đến trào nước mắt: Chao ôi nước mất nhà tan/Hôm nay lại thấy giang san bốn bề (Ngày độc lập). Dù được sinh ra trong những ngày đất nước hòa bình ấm no, nhưng đọc những vần thơ ấy, thế hệ trẻ hôm nay vẫn trào dâng niềm tự hào, về ý nghĩa trọng đại về ngày Độc lập 2-9, một mốc son trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc.
THÀNH NGUYỄN