Mới đây, ca sĩ Ân Nam phản ánh, ca khúc "Hải Phòng tuổi thơ tôi" của nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng được sử dụng trong chương trình Lễ hội Hoa phượng đỏ của Hải Phòng nhiều năm liền nhưng lại mang tên người khác.
Mới đây, ca sĩ Ân Nam phản ánh, ca khúc “Hải Phòng tuổi thơ tôi” của nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng được sử dụng trong chương trình Lễ hội Hoa phượng đỏ của Hải Phòng nhiều năm liền nhưng lại mang tên người khác.
Trên youtube, người viết tìm thấy ca khúc Hải Phòng tuổi thơ tôi được Lễ hội Hoa phượng đỏ (UBND TP. Hải Phòng tổ chức) sử dụng nhiều lần nhưng tên tác giả không đồng nhất. Lễ hội năm 2014, ca khúc này (do ca sĩ Lưu Hương Giang hát) được để tên tác giả: nhạc Hoàng Lương, thơ Mạnh Đông. Lễ hội năm 2015 và 2017, ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh thể hiện ca khúc này với phần giới thiệu tác giả: Hoàng Lương. Ngoài ra, trên mạng còn có clip Hải Phòng tuổi thơ tôi do Duy Phường hát trong chương trình giới thiệu ca khúc mới do Hội Âm nhạc Hải Phòng tổ chức năm 2013 ghi là sáng tác của Nguyễn Cường.
Theo ca sĩ Ân Nam, bài hát Hải Phòng tuổi thơ tôi được nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng (sinh ra ở Nha Trang nhưng lớn lên ở Hải Phòng) sáng tác khoảng năm 2003. Đó là khúc hát ông viết để tri ân mảnh đất đã nuôi mình lớn lên. Năm 2004, trong một dịp ra Hà Nội, nhạc sĩ có nhờ ca sĩ Dương Liễu (Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng) hát ca khúc này để thu âm. “Khi đó, tôi là người hát bè cho ca sĩ Dương Liễu. Bài hát này sau đó đã được sử dụng trong phim tài liệu “Một người yêu Hải Phòng đến thế” do Đài Truyền hình Hải Phòng thực hiện năm 2004”, bà Ân Nam kể lại.
Theo đạo diễn Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc Xưởng phim truyền hình Hải Phòng, một người bạn của nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng, trong một lần về thăm Hải Phòng, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng có nói muốn viết ca khúc để tạ ơn TP. Hải Phòng - mảnh đất nuôi nấng, dìu dắt ông lớn lên. “Ban đầu, nhạc sĩ đề nghị tôi viết lời nhưng tôi có nói rằng nếu tôi viết về Hải Phòng thì sẽ khác cảm nhận của ông. Ông cứ tự trải lòng mình thì sẽ hay hơn. Sau đó, ông đã viết “Hải Phòng tuổi thơ tôi”. Năm 2004, khi làm phim tài liệu “Một người yêu Hải Phòng đến thế” để nói về thâm tình của nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng với đất cảng, tôi có sử dụng ca khúc này với tiếng hát của ca sĩ Dương Liễu....”, đạo diễn Nguyễn Văn Lượng cho biết.
Trong clip “Hải Phòng tuổi thơ tôi” được kênh Góc Việt đưa lên youtube năm 2015, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng kể lại hoàn cảnh ra đời của ca khúc này. Là học sinh miền Nam lớn lên ở Hải Phòng, ông đã ấp ủ về một ca khúc để tri ân với mảnh đất này. “Hải Phòng đã có ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ của nhạc sĩ Lương Vĩnh rất thành công. Cái bóng của nó quá lớn nên tôi cố gắng tìm lối đi riêng, nhỏ nhẹ, dịu dàng nhưng sâu lắng với ký ức tuổi thơ của tôi đầy ắp ở Hải Phòng. Đặc biệt, hôm Đài Truyền hình Hải Phòng đưa đi tham quan sông Lấp để tìm cảm hứng, con thuyền chao nghiêng khiến hoa phượng hai bên dòng sông chao nghiêng trở thành cả một vệt. Đó là niềm cảm xúc để tôi viết “xin đừng lấp dòng sông hoa phượng đỏ”, clip dẫn lời nhạc sĩ. Đặc biệt, tên phố Hải Phòng rất mộc mạc, con người Hải Phòng rất bộc trực, rất nghĩa tình... nên ông đã viết “... Đi đâu về đâu tim tôi thổn thức Hải Phòng. Thiêng liêng thành phố, đượm tình làng xóm thân thương. Sông Lấp, Lạch Tray, Cầu Rào, Bến Bính. Thuyền giấy tuổi thơ, chắt chiu kỷ niệm vơi đầy…”.
Năm 2014, báo Hải Phòng cũng đã có bài viết “Những tình khúc mới về Hải Phòng”, trong đó viết rất rõ: “Ca khúc “Hải Phòng tuổi thơ tôi” của Đỗ Trí Dũng - một nhạc sĩ của Chương trình Những bông hoa nhỏ trên VTV trước đây”. Thế nhưng, không hiểu sao liên tiếp nhiều năm liền, Lễ hội Hoa phượng đỏ đều giới thiệu tác giả của ca khúc này là nhạc sĩ Hoàng Lương. Trong quá trình đi tìm tư liệu để viết bài này, người viết đã phát hiện ra nhạc sĩ Hoàng Lương từng sáng tác nhạc cho phim “Sóng ở đáy sông”, trong đó ca khúc chủ đề do ca sĩ Huy Hùng thể hiện có tên là “Hải Phòng tuổi thơ” (nhạc Hoàng Lương, thơ: Mạnh Đông). Tuy nhiên, phần lời và giai điệu khác biệt hoàn toàn với “Hải phòng tuổi thơ tôi” được các ca sĩ Lưu Hương Giang, Ngọc Anh... thể hiện.
Ca sĩ Ân Nam cho biết sẽ làm đơn gửi Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để khiếu nại về vấn đề này. “Điều mà tôi muốn là các đơn vị sử dụng phải tôn trọng tác giả. Không thể chấp nhận việc chương trình nghệ thuật lớn (Lễ hội Hoa phượng đỏ) được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV lại cẩu thả như vậy”, bà Ân Nam bày tỏ.
XUÂN THÀNH