Trong giới chơi cổ vật ở Nha Trang, nhà sưu tập Đào Hòa được nhiều người biết đến không chỉ vì anh đang lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, mà còn bởi anh là người tâm huyết với thú chơi công phu này…
Trong giới chơi cổ vật ở Nha Trang, nhà sưu tập Đào Hòa được nhiều người biết đến không chỉ vì anh đang lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, mà còn bởi anh là người tâm huyết với thú chơi công phu này…
Căn nhà của nhà sưu tập Đào Hòa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cổ vật Nha Trang ở đường Chương Dương được bài trí rất đẹp, có nhiều cổ vật được trưng bày ngay ở phòng khách. Khi tôi đến, một số thành viên trong CLB Cổ vật Nha Trang cũng đang có mặt, bàn chuyện rôm rả về một số hiện vật anh Hòa vừa sưu tầm từ chuyến đi công tác ở Gia Lai. Từ lâu căn nhà của anh Hòa đã trở thành điểm hẹn giao lưu của anh em hội viên CLB Cổ vật Nha Trang.
Hỏi duyên nợ nào đưa anh đến với thú sưu tầm cổ vật, anh Hòa cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi có khá nhiều đồ cổ. Khi tôi lớn lên đã thấy những món ấy ở trong nhà nên cũng không để ý lắm. Đến những năm sau giải phóng, gia cảnh sa sút nên gia đình phải bán đi khá nhiều đồ, lúc đó tôi mới biết giá trị của chúng. Sau này, khi theo học ngành tài chính ở Hà Nội, tôi cùng một số bạn bè tập tành mua, bán đồ cổ bán kiếm lời lấy tiền ăn học”, anh Hòa nhớ lại.
Có duyên với cổ vật khá sớm nhưng khi ra trường, vào Nha Trang lập nghiệp năm 1989, mãi hơn 10 năm sau, cái duyên cổ vật mới quay lại với anh. Chuyện là anh có người em cột chèo là dân buôn chơi đồ cổ. Qua người em này, anh chơi với những người chơi cổ vật có tiếng ở Nha Trang thời đó. Tự nhiên, tình yêu cổ vật ngủ quên bao năm được “đánh thức”. Sau năm 2000, anh bắt đầu sưu tập lại cổ vật. Hơn 15 năm sưu tầm cổ vật, đến nay anh Đào Hòa đã có một số lượng cổ vật đáng kể, trong đó nhiều nhất là đồ sứ men xanh trắng của Trung Quốc, gốm Việt (đồ gốm Lý -Trần, gốm Chu Đậu…). Đến nhà anh, khách dễ dàng nhìn những chóe, bình, đĩa sứ đời Thanh (Trung Quốc) được trưng bày ở phòng khách. Trò chuyện về cổ vật, anh cho biết: “Tôi sưu tầm cổ vật trước hết vì yêu thích nét văn hóa ẩn chứa trong các cổ vật, muốn giữ lại những giá trị văn hóa của bậc tiền nhân”. Thế nên, những hiện vật có giá trị như: chiếc chén Khánh Xuân thị tả, bình hoa Thành Hòa niên chế… dù được nhiều người hỏi mua nhưng anh vẫn giữ lại.
Ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa: Anh Đào Hòa là người đam mê, tâm huyết với việc chơi cổ vật. Trong CLB Cổ vật Nha Trang, anh Hòa là đầu tàu, được anh em rất tín nhiệm. CLB Cổ vật Nha Trang tồn tại, hoạt động quy củ như hiện nay một phần là nhờ sự tâm huyết của anh Hòa. |
Anh em trong giới quý trọng Đào Hòa bởi anh là người rất cởi mở trong việc chơi cổ vật. Mỗi khi sưu tập được món đồ quý, anh đều chia sẻ niềm vui với anh em. Hôm tôi đến, anh giới thiệu một chiếc ché lớn cùng bức tượng kỳ lân có tạo hình khá lạ mà anh mua được trong chuyến đi Gia Lai. Anh cũng bày tỏ mong muốn phong trào chơi cổ vật ở Khánh Hòa sẽ ngày càng phát triển. Bởi càng nhiều người chơi thì đồ cổ, đồ xưa sẽ được giữ lại trong nước, giá trị văn hóa của người Việt sẽ được lưu giữ.
Theo anh Hòa, nhiều người nghĩ chơi cổ vật phải có nhiều tiền nên e ngại đến với thú chơi này. Nhưng sự thực không hẳn thế. Nếu như có tình yêu với cổ vật thì ít tiền vẫn có thể chơi được, quan trọng là người chơi biết lựa những món đồ vừa túi tiền nhưng vẫn có giá trị văn hóa. “Tôi vận động anh em trong CLB Cổ vật Nha Trang tổ chức triển lãm, mở phiên chợ đồ xưa… là muốn mọi người yêu thích cổ vật có cơ hội giao lưu, tìm hiểu về giá trị cổ vật. Đồng thời, qua các hoạt động này nhân rộng phong trào chơi cổ vật của Nha Trang và của Khánh Hòa”, anh Hòa nói.
THÀNH NGUYỄN