Sáng 18-8, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Công an Nhân dân và Công ty Cổ phần Tri thức văn hóa sách Việt Nam tổ chức lễ ra mắt các bộ sách quý về văn hóa, khoa học xã hội và biển đảo.
Sáng 18-8, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Công an Nhân dân và Công ty Cổ phần Tri thức văn hóa sách Việt Nam tổ chức lễ ra mắt các bộ sách quý về văn hóa, khoa học xã hội và biển đảo.
Các bộ sách được giới thiệu dịp này bao gồm bộ “Lịch sử Việt Nam” 15 tập; bộ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Văn hóa biển đảo Việt Nam”; “400 năm chữ quốc ngữ hình thành, phát triển”, “Lược sử Việt ngữ học”; “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam”, “Hiên ngang Trường Sa”…
Nói về bộ “Lịch sử Việt Nam” 15 tập – Giải vàng "Sách hay" năm 2015, PGS.TS Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học chia sẻ: Từ trước đến nay đã có nhiều công trình về lịch sử Việt Nam được xuất bản và công bố rộng rãi, song vẫn chưa có công trình nào phản ánh toàn bộ quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam từ khởi thủy đến nay một cách sâu sắc, toàn diện, có hệ thống. Trước thực tế đó, bộ sách “Lịch sử Việt Nam” từ khởi thủy đến năm 2000, gồm 15 tập, được hoàn thành trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp bộ (cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), do Viện Sử học chủ trì.
Bộ sách được tập thể giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học biên soạn. Nội dung bộ sách "Lịch sử Việt Nam" bao quát toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, kế thừa tri thức cơ bản trong các công trình nghiên cứu, các sách hoặc các bộ sách đã xuất bản trước đây về lịch sử Việt Nam, đồng thời chú trọng việc bổ sung những kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như: Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Tôn giáo học, Văn hóa học,… Đây là bộ thông sử Việt Nam lớn nhất, đồ sộ nhất từ trước đến nay. Bộ sách có giá trị lớn về lý luận, thực tiễn và xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập về lịch sử Việt Nam.
Về cuốn “Văn hóa biển đảo Việt Nam”, GS.TS Lê Hồng Lý – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian nhấn mạnh: “Qua bộ sách, có thể thấy rõ văn hóa biển đảo, đặc biệt là văn hóa dân gian được thể hiện đậm nét trong đời sống của cư dân biển đảo. Những câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, phong tục, tập quán, lễ hội, tri thức về đời sống, về con nước, luồng lạch, về các loài sinh vật biển… được người dân biển đảo đúc rút thành kinh nghiệm đi biển cho mình và trở thành giá trị văn hóa biển đảo để chúng ta có được hôm nay”.
Giới thiệu thêm về bộ sách này, Thượng tá Bùi Anh Tuấn – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Công an Nhân dân cho biết: Cấu trúc của bộ sách gồm hai tập. Tập 1 trình bày những vấn đề mang tính tổng quan, văn học dân gian và nghệ thuật dân gian liên quan đến văn hóa biển, đảo Việt Nam. Tập 2 trình bày những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và tri thức dân gian. Với những bài viết được tuyển chọn kỹ lưỡng, độc giả sẽ có cái nhìn tổng quan về văn hóa biển đảo Việt Nam. Đây là một công trình giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo Việt Nam nói chung và văn hóa dân gian biển đảo nói riêng.
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, nhà quản lý, bao gồm nhà văn Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Thanh Niên; TS Lê Hữu Thành – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Vụ trưởng Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà… đã cùng góp ý kiến, chia sẻ thông tin về các bộ sách quý để mỗi bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về đất nước Việt Nam.
Theo Hà Nội Mới