10:08, 25/08/2017

Gần 2,3 tỷ đồng xây dựng đền thờ Trần Đường

Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa gắn liền với tên tuổi của 3 danh nhân: Trịnh Phong, Nguyễn Khanh, Trần Đường (được tôn xưng là Khánh Hòa tam kiệt). Sau miếu Trịnh Phong, sắp tới đây, Đền thờ danh nhân Trần Đường sẽ được xây dựng trong khuôn viên chùa Lương Hải, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng. 

Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa gắn liền với tên tuổi của 3 danh nhân: Trịnh Phong, Nguyễn Khanh, Trần Đường (được tôn xưng là Khánh Hòa tam kiệt). Sau miếu Trịnh Phong, sắp tới đây, Đền thờ danh nhân Trần Đường sẽ được xây dựng trong khuôn viên chùa Lương Hải, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng.  


Theo Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT), năm 2011, UBND tỉnh cho phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình Đền thờ Trần Đường tại thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Sau đó, Sở VH-TT đã phối hợp với Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thực hiện báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án Đền thờ Trần Đường với tổng kinh phí gần 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về việc bố trí kinh phí nên việc xây dựng đền thờ vẫn chưa được thực hiện. Đầu năm 2017, Sở VH-TT đề xuất xây dựng đền thờ danh nhân Trần Đường trong khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sĩ của huyện Vạn Ninh, bởi ở chùa Lương Hải (nơi có mộ của danh nhân Trần Đường) diện tích đất còn lại quá hẹp. Quy mô dự án cũng thu hẹp so với thiết kế trước đây.

 

Mộ của danh nhân Trần Đường tại chùa Lương Hải

Mộ của danh nhân Trần Đường tại chùa Lương Hải

 

Danh nhân Trần Đường (1839-1885, quê ở làng Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) là một trong 3 người lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp tại Khánh Hòa giai đoạn 1885 - 1886. Ông đảm nhận vai trò Phó tướng cho Bình Tây đại tướng Trịnh Phong, chỉ huy quân án ngữ phía Bắc Khánh Hòa (từ Ninh Hòa trở ra Đèo Cả) với nhiều trận chiến oanh liệt chống thực dân Pháp. Giặc Pháp đến làng Hiền Lương bắt bớ thân tộc của ông làm con tin, buộc ông ra hàng. Ông ra nạp mình nhưng kiên quyết không hợp tác với giặc. Giặc Pháp đã chém và bêu đầu ông tại chợ Vạn Giã, Vạn Ninh, sau 3 ngày mới cho đem về chôn. Đến nay, Trần Đường là người duy nhất của Khánh Hòa có tên trong danh sách những anh hùng, chí sĩ Cần Vương yêu nước của Việt Nam (sách Lịch sử Việt Nam).

Tại cuộc họp ngày 13-1, đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở VH-TT về địa điểm, quy mô xây dựng đền thờ Trần Đường. Đồng chí giao UBND huyện Vạn Ninh làm việc với dòng họ của danh nhân Trần Đường để thông báo về chủ trương tiếp tục xây dựng đền thờ, xin ý kiến dòng họ về việc xây dựng đền thờ trong khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sĩ của huyện kết hợp với di dời mộ (nếu không đồng ý thì tỉnh chỉ xây dựng đền thờ, kết hợp với chỉnh trang mộ ở chùa Lương Hải). Tuy nhiên, sau đó, đồng chí Nguyễn Đắc Tài cùng lãnh đạo Sở VH-TT đã có chuyến đi khảo sát thực tế, làm việc với đại diện chùa Lương Hải và đi đến thống nhất sẽ xây dựng đền thờ Trần Đường trong khuôn viên của chùa. Để có đủ đất xây dựng đền thờ, chùa Lương Hải sẽ di dời một số công trình như tượng phật, bồn hoa, cây cảnh…


Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định đồng ý chủ trương cho phép Sở VH-TT thực hiện dự án xây dựng đền thờ danh nhân Trần Đường trong khuôn viên chùa Lương Hải với tổng kinh phí 2,26 tỷ đồng. Các hạng mục dự kiến được xây dựng gồm: xây dựng đền thờ, tôn tạo phần mộ, sân lát đá granit, bồn hoa cây cảnh. Dự án sẽ được thực hiện trong 2 năm 2017-2018. Ông Hoàng Quý - Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tồn di tích (Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh) cho biết, hiện nay, việc thực hiện báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án Đền thờ danh nhân Trần Đường đã hoàn thành, đang chờ phê duyệt. Sau khi hoàn thành việc xây dựng đền thờ, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh sẽ thực hiện hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử về danh nhân Trần Đường,

Xây dựng đền thờ danh nhân Trần Đường là việc làm thiết thực, ý nghĩa và thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Khánh Hòa nói riêng. Ông Nguyễn Công Bằng - Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã cho biết: “Bà con thân tộc của cụ Trần Đường, cũng như người dân ở thôn Hiền Lương, thị trấn Vạn Giã rất vui mừng khi biết tin UBND tỉnh cho phép xây dựng Đền thờ danh nhân Trần Đường. Chùa Lương Hải cũng rất ủng hộ việc này nên đã đồng ý di dời một số công trình để dành đất thực hiện dự án”.


XUÂN THÀNH