11:07, 21/07/2017

Người giữ "hồn" Tây Nguyên

Tối 21-7, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa khai mạc triển lãm Nét văn hóa Tây Nguyên của nhà sưu tập Nguyễn Văn Hải đến từ TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm trưng bày hơn 300 hiện vật, hình ảnh thể hiện đặc trưng văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. 

Tối 21-7, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa khai mạc triển lãm Nét văn hóa Tây Nguyên của nhà sưu tập Nguyễn Văn Hải đến từ TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm trưng bày hơn 300 hiện vật, hình ảnh thể hiện đặc trưng văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Đến với triển lãm, người xem sẽ cảm nhận được hồn cốt của văn hóa núi rừng Tây Nguyên…


Tây Nguyên mê hoặc


Nhà sưu tập Nguyễn Văn Hải nguyên là Giám đốc dự án của Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại (BMC) của Bộ Công Thương. Lần đầu chạm ngõ Tây Nguyên cách đây gần 30 năm, người đàn ông lớn lên ở Sài thành đã mê mẩn với những chiêng, ché, gùi, nỏ… của người Ê đê, Ba na, Mơ nông. Càng tiếp xúc với đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên, ông càng thích thú với đời sống văn hóa tinh thần của họ. Ẩn chứa dưới những mái nhà rông, nhà dài là nếp văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế, do đô thị hóa… không gian sống của người Tây Nguyên đã bị thay đổi nhanh chóng. Nền văn hóa độc đáo của Tây Nguyên có nguy cơ bị mai một. Chính vì vậy, ông nghĩ đến việc sưu tập những hiện vật thể hiện đặc trưng văn hóa của Tây Nguyên để bảo tồn. “Hiện vật đầu tiên tôi sưu tầm là một cái đàn Chapi do nghệ sĩ Y Moan tặng. Sau này, Y Moan còn tặng tôi rất nhiều vật dụng khác như: giường ngủ, chăn gối mà ông ấy đã dùng…”, ông Hải kể.

 

Ông Nguyễn Văn Hải giới thiệu hiện vật
Ông Nguyễn Văn Hải giới thiệu hiện vật


Ban đầu chỉ sưu tập cho vui, nhưng càng ngày Nguyễn Văn Hải càng mê đắm với văn hóa Tây Nguyên. Mỗi lần lên công tác ở cao nguyên, ông lại lặn lội khắp các buôn làng để tìm hiểu, sưu tập hiện vật, từ nhạc cụ, đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, trang sức... Đến nay, ông có đến hơn 1.000 hiện vật về đặc trưng văn hóa các tộc người Tây Nguyên, trong đó có nhiều hiện vật rất quý. Chỉ vào chuỗi trang sức bằng sừng, ông Hải giới thiệu: “Đây là chuỗi trang sức của một già làng ở Kon Tum. Nó được làm bằng 28 chiếc sừng của 14 con bò rừng (đồng bào gọi là con Min) do tự ông săn bắt được. Đối với đàn ông Tây Nguyên, đó là niềm tự hào rất lớn, nó thể hiện sức mạnh của một dũng sĩ”. Rồi ông giới thiệu tiếp chiếc khiên của người Ê đê được chạm trổ những bông hoa rừng rất đẹp. Chiếc khiên này không chỉ đi theo người thợ săn trong những cuộc săn thú mà còn được dùng trong nhiều lễ hội. Ông cũng giới thiệu rất rành mạch về những chiêng, ché, gùi, nỏ, xà gạc, dụng cụ đuổi muông thú, các loại nhạc cụ: “Cũng là gùi nhưng đồng bào Tây Nguyên có rất nhiều loại gùi, cái để dùng đựng lương thực, cái dùng để gùi nước, cái dùng để gùi củi, măng rừng…”.


Những kỷ niệm khó quên


Hơn 20 năm sưu tập các hiện vật văn hóa Tây Nguyên, nhà sưu tập Nguyễn Văn Hải có quá nhiều kỷ niệm khó quên với thú chơi công phu này. Cho đến giờ ông vẫn nhớ chuyện đi mua bộ căng tai bằng ngà của bà cụ người Stiêng ở Lâm Đồng. “Với người phụ nữ Stiêng, tai căng càng lớn thì càng đẹp, thế nên khi tôi ngỏ ý mua lại bộ căng tai này bà không đồng ý. Đến sau này, biết tin bà mất, tôi tìm đến để thuyết phục những người con của bà xin mua lại nhưng cũng không được. Về sau, thấy tôi đi lại nhiều lần, hiểu rõ mục đích sưu tầm của tôi nên những người con của bà mới họp bàn rồi đồng ý nhượng lại với giá khá đắt”, ông Hải nhớ lại. Hay như lần ông thuyết phục già làng ở Kon Tum nhường lại chiếc trống da voi có đường kính lên đến 1,2m. Mua được trống đã khó, việc vận chuyển từ Tây Nguyên về TP. Hồ Chí Minh cũng vất vả không kém. “Chiếc trống này đã được gìn giữ hàng trăm năm… Dù giá không hề rẻ nhưng khi mua được chiếc trống này, tôi rất vui. Tiếc rằng ở triển lãm lần này, do đường sá xa xôi nên tôi không mang được chiếc trống da voi mà chỉ mang được trống da trâu loại lớn”, ông Hải chia sẻ.

 

Tượng nhà mồ Tây Nguyên được trưng bày tại triển lãm

Tượng nhà mồ Tây Nguyên được trưng bày tại triển lãm


Nhiều khách đến xem triển lãm ấn tượng với bộ sưu tập tượng nhà mồ Tây Nguyên (tượng các con thú, tượng mang tính phồn thực, tượng sinh hoạt như giã gạo, tình mẫu tử…) do ông Hải sưu tập từ nhiều năm qua. Những bức tượng thể người đàn bà khóc mếu vì mất người thân, tượng chó cõng khỉ… được các nghệ nhân núi rừng chế tác trong phút giây hứng khởi để lại cho người xem nhiều cảm xúc về thế giới tinh thần của người Ba na, Xơ đăng, Jarai.


Nhiều người yêu thích cổ vật biết tiếng “Hải Tây Nguyên” đã tìm đến ngỏ ý mua các hiện vật, nhưng ông đều từ chối. “Với tôi, hiện vật không thể tính được bằng tiền, vì có những món mình đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức mới có được. Và đôi khi cổ vật, hiện vật đó chỉ có một, không có cái thứ hai… Tôi sưu tập là muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa Tây Nguyên”, ông Hải bày tỏ. Cũng chính ý hướng gìn giữ và quảng bá văn hóa Tây Nguyên nên trước khi triển lãm ở Nha Trang, ông Hải đã nhiều lần tổ chức triển lãm cá nhân ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bến Tre…


Nhà sưu tập Nguyễn Văn Hải cho biết đã dành một phần lớn diện tích trong khu vườn rộng hơn 5.000m2 ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh để trưng bày các hiện vật. Chia sẻ về dự định, ông cho biết: “Tôi muốn làm một không gian trưng bày văn hóa Tây Nguyên ở TP. Hồ Chí Minh hoặc Nha Trang... Cũng có thể một ngày nào đó khi tuổi đã cao, tôi sẽ hiến tặng bộ sưu tập cho bảo tàng”.


THÀNH NGUYỄN