12:07, 22/07/2017

Ngôi mộ cổ Mả Ông Tướng ở Cam Ranh đã được giải mã?

Đi trên Quốc lộ 1 từ bắc vào nam, khi đến trụ km1513 thuộc tổ dân phố Trà Long 2, phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh sẽ gặp 3 cây cầu có tên là: Trà Long, Suối Giữa, Suối Hinh.

Đi trên Quốc lộ 1 từ bắc vào nam, khi đến trụ km1513 thuộc tổ dân phố Trà Long 2, phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh sẽ gặp 3 cây cầu có tên là: Trà Long, Suối Giữa, Suối Hinh. Nằm về phía tây Quốc lộ 1, đoạn từ cầu Suối Giữa và cầu Suối Hinh có một ngôi mộ cổ, trên ngôi mộ là một cây bồ đề cổ thụ, rễ cây bao trùm cả ngôi mộ. Người dân địa phương quen gọi ngôi mộ cổ này là Mả Ông Tướng. Còn tên thật của ông tướng là gì thì mỗi người giải thích một khác. Người thì nói chủ nhân nằm dưới mộ là một ông tướng người Chàm; người cho rằng đó là một ông tướng Tây Sơn. Hàng thế kỷ qua, ai là người an nghỉ dưới ngôi mộ cổ này vẫn là một ẩn số.

 

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Cam Ranh (1930 - 1975), năm 1994 ở trang 19 có ghi phần chú thích (1):  “Hiện nay còn một di tích là “Mả Ông Tướng” ở phía nam cầu Trà Long. Nhưng bia không ghi rõ tên người, năm chết và đời vua nào lập mộ, chỉ nói phong tước Thượng tướng quân và xây mả năm Giáp Tý. Trong “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim có ghi năm Giáp Tý (1744), Chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu, đổi lại chế độ, định ra triều nghi. Có thể mả được xây trong năm này”.


Còn trên Cổng thông tin điện tử TP. Cam Ranh, ngày 19-10-2011 có bài viết “Khái quát về một số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố”, trong đó có viết về mộ ông Tướng như sau: “Ngôi mộ ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ bồ đề quanh năm xanh tốt bên vệ đường Quốc lộ 1 thuộc phường Ba Ngòi (có 3 cửa sông chảy ra biển nên gọi Ba Ngòi). Về thân thế và lai lịch của ngài đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu song không biết tự bao giờ mộ Ông Tướng được nhân dân trong làng tín ngưỡng thờ cúng và trở thành nơi linh thiêng của người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh. Hàng năm, nơi đây vào dịp Tết cũng như xuân kỳ thu tuế, nhân dân trong làng tổ chức lễ hội cầu an và các ngày đầu năm mới nhân dân trong vùng thường đến đây hái lộc, cầu nguyện. Đây sẽ là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách”.

 

Khuôn viên Mả Ông Tướng ở phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh

Khuôn viên Mả Ông Tướng ở phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh

 

Nhân đọc bài “Đi tìm danh tính của ông tướng” được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 408, tháng 7-2012 của tác giả Nguyễn Văn Nghệ (thị trấn Diên Khánh), phải chăng ẩn số ngôi mộ cổ Mả Ông Tướng ở TP. Cam Ranh đã được giải mã? Qua bài viết, với những nguồn sử liệu phong phú, khoa học, tác giả đã cung cấp nhiều thông tin khoa học về danh tính của vị tướng nằm dưới ngôi mộ tại Ba Ngòi hiện nay chính là ông Tống Văn Khôi (có chỗ chép là Nguyễn Cửu Khôi), tiên tổ người tỉnh Thanh Hóa, sau dời vào ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Tống Văn Khôi là người can đảm, quả quyết, làm quan dưới triều Duệ Tông - Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1754 - 1777), dần thăng đến Thống suất Điều khiển tướng sĩ năm doanh Gia Định.


Tháng 8 năm Tân Mão (1771), Mạc Thiên Tứ được tin nước Xiêm La chuẩn bị đánh chiếm Hà Tiên, bèn cấp báo xin viện binh ở Gia Định. “Điều khiển Nguyễn Cửu Khôi cho rằng năm trước Hà Tiên đã báo hão tin biên cấp, chỉ làm mệt cho quan quân, nên không cho binh đến cứu”(2). Do không đem binh đến cứu viện nên quân Xiêm La chiếm Hà Tiên. Vì lỗi không đem quân cứu viện nên tháng 2 năm Nhâm Thìn (1772), Nguyễn Cửu Khôi bị giáng xuống làm Cai đội.


Năm Ất Mùi (1775), quân Tây Sơn đánh chiếm Phú Yên - Khánh Hòa, Tống Văn Khôi đem quân từ Gia Định tiến ra Khánh Hòa, đánh nhau với quân Tây Sơn ở Tam Độc (Ba Ngòi ngày nay). Ông bị trọng thương do bị chém ngang cổ, nhưng ông vẫn ngồi vững trên yên ngựa, hai tay vịn giữ không cho đầu của mình rơi xuống. Sau đó, ngựa chạy đưa ông đi được một quãng thì người và ngựa đều tử nạn, tại nơi này dân địa phương đã chôn cất cả người và ngựa và lập thành nơi thờ tự tôn nghiêm.


Năm Gia Long thứ 9 (1810) định thứ vị cho các công thần trung tiết và trong 114 vị, Tống Văn Khôi xếp vị trí thứ 105. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) cho xây miếu Trung tiết công thần, ở gian chính giữa có tất cả 13 bài vị và bài vị của Tống Văn Khôi xếp vị trí thứ 13. Hiện nay, từ đường Tống Phước tọa lạc tại số nhà 55 Võ Thị Sáu - Huế (*).


Mộ của ông được lập năm Giáp Tý (1804). Năm 2004, hai ông bà Trần Xuân Bạch và Phạm Thị Lê An ở tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) về quê đã tự nguyện ủng hộ kinh phí trùng tu toàn bộ khuôn viên ngôi mộ Ông Tướng. Chung quanh tường, nền và chân đế mộ được ốp gạch men. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc lát gạch men cho một ngôi mộ cổ mang tính tương phản, vì toàn bộ ngôi mộ bằng vật liệu hồ ô dước rêu phong cổ kính mà chung quanh mộ lại là gạch men tân kỳ!


Tại Mả Ông Tướng ở Ba Ngòi, nhân dân cúng giỗ ngày 24 - 25-2 âm lịch, còn bài vị của ông Tống Phước Khôi ở từ đường ghi: “Khâm sai Thống suất Điều khiển Gia Định ngũ dinh tướng sĩ Khôi Ngô hầu Tống Phước Khôi phủ quân thần chủ”, kế bên ghi: “Cửu nguyệt sơ thất nhật vong” (3) (mất ngày 7 tháng 9).


Thiết nghĩ, từ những thông tin mà tác giả Nguyễn Văn Nghệ và nhiều tác giả khác cho chúng ta biết về thân thế và lai lịch của tướng Tống Văn Khôi, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần có những việc làm cụ thể, kịp thời để giúp cho các thế hệ con cháu có nhận thức đúng đắn và là cơ sở để công tác duy tu, bảo tồn phát huy được giá trị.


Lê Viết Quân

 

----------------------

(1): Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Cam Ranh (1930 - 1975), năm 1994 ở trang 19.


(2), (3), (*): Trích theo ý của tác giả Nguyễn Văn Nghệ.