Không khan hiếm và đắt như tiền cổ, những tờ tiền giấy, tiền xu được phát hành cách đây vài chục năm được nhiều người sưu tầm. Không chỉ phản ánh sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, những tờ tiền ấy còn gợi lại ký ức một thời...
Không khan hiếm và đắt như tiền cổ, những tờ tiền giấy, tiền xu được phát hành cách đây vài chục năm được nhiều người sưu tầm. Không chỉ phản ánh sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, những tờ tiền ấy còn gợi lại ký ức một thời...
Trong những phiên chợ đồ xưa do Câu lạc bộ Cổ vật Nha Trang tổ chức ở Bảo tàng Khánh Hòa, tiền xưa luôn là gian hàng được nhiều người quan tâm nhất. Bởi tiền giấy xưa không quá bí ẩn như các cổ vật, cũng không quá đắt đỏ với những ai muốn sở hữu một vài tờ để làm kỷ niệm. Người sưu tập có thể tìm thấy ở đây những tờ tiền giấy có tuổi đời trên dưới 100 năm do Ngân hàng Đông Dương (Banque de L’indochine 1875 - 1945) phát hành. Rồi những tờ tiền do Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát hành giai đoạn 1946 - 1953 (người dân thời đó quen gọi là tiền Cụ Hồ); tiền của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (từ năm 1953 về sau). Bên cạnh đó còn có tiền do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát hành; tiền của chế độ Việt Nam Cộng hòa... “Sưu tầm tiền giấy là thú vui tao nhã. Mỗi tờ tiền đều thể hiện một bức tranh về chính trị, kinh tế của đất nước trong một giai đoạn nhất định. Cách sưu tập phổ biến nhất là sưu tầm tiền theo các thời kỳ: thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ đất nước chia làm 2 miền Nam - Bắc; thời kỳ đất nước thống nhất...”, anh Phạm Anh Tuấn, người sưu tầm tiền giấy lâu năm bày tỏ.
Nhiều người như tìm lại được ký ức của mình qua các tờ tiền giấy xưa. Mới đây, trong phiên chợ đồ xưa được tổ chức nhân dịp Festival Biển 2017, nhiều người rất thích thú khi được xem, mua tờ 10 đồng in hình Bác Hồ rất đẹp do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành từ năm 1958 với giá 100.000 đồng/tờ. “Có thể nói đây là một trong những tờ tiền giấy đẹp nhất của Việt Nam. Khi tôi còn nhỏ, các anh thanh niên đi chơi mà có tờ 10 đồng để túi áo trắng thì nhìn oách lắm”, anh Bùi Kim Sơn (TP. Nha Trang) chia sẻ. Những người trẻ hơn lại thấy tuổi thơ của mình qua những tờ tiền có mệnh giá chỉ vài chục đồng ở thập niên 80 thế kỷ trước. Chọn cho mình những tờ tiền 20 đồng, 50 đồng... để mua làm kỷ niệm, chị Như Trang (Nha Trang) giải thích: “Ngày còn nhỏ tôi vẫn thường nài nỉ mẹ cho 20 đồng để mua kẹo. Chừng đó tiền là đủ mua vài cái kẹo chanh để ngậm”.
Bên cạnh tiền giấy, những người sưu tầm tiền xưa còn trưng bày và bán tiền xu. Những loại xu 20 xu, 5 hào, 1 đồng và 2 đồng do Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phát hành giai đoạn 1945 - 1946 vẫn còn được cất giữ. Rồi tiền xu bằng nhôm do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (tại miền Bắc) phát hành có mệnh giá 1 xu, 2 xu và 5 xu... Nhiều nhất là những đồng xu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành sau năm 1976 với mệnh giá 5 hào. Chọn một đồng 5 hào, anh Nguyễn Hoàng Đức (người gốc Nam Định) cho biết: “Tuổi thơ tôi gắn liền với những trò đánh khăng đánh đáo ăn tiền xu. Chính vì thế, khi nhìn thấy những đồng tiền này, cả một trời ký ức tuổi thơ với bao gương mặt bạn bè hiện về... Tôi mua cho mình để làm kỷ niệm và cũng để giới thiệu với con trai về những trò chơi ngày xưa”.
Cứ vậy, người đến với tiền xưa tìm thấy những ký ức với những tờ tiền khác nhau. Người lớn nhìn tiền để nhớ đến những năm tháng gian khó, đất nước chia làm hai miền Nam - Bắc hay thời kỳ bao cấp đói khổ. Người trẻ hơn nhìn tiền nhớ lại tuổi thơ với những lần được nhận lì xì ngày Tết chỉ vài hào hay những lần đi mua quà bánh. Thế nên, sưu tập tiền xưa cũng chính là cách lưu giữ những ký ức một thời đã qua.
XUÂN THÀNH