Cùng với băng đĩa, những năm gần đây, người thích đồ xưa còn sưu tầm những tờ nhạc xưa. Những tờ nhạc được ấn hành trước năm 1975 một thời gần như bị lãng quên nay lại có một đời sống khác.
Cùng với băng đĩa, những năm gần đây, người thích đồ xưa còn sưu tầm những tờ nhạc xưa. Những tờ nhạc được ấn hành trước năm 1975 một thời gần như bị lãng quên nay lại có một đời sống khác. Không rầm rộ như ở TP. Hồ Chí Minh nhưng ở Nha Trang vẫn có những người đang lưu giữ hàng ngàn tờ nhạc xưa…
Tờ nhạc đã từng có một đời sống rất mạnh mẽ. Nó không đơn thuần là một bản nhạc để người chơi đàn, ca sĩ tập hát mà còn là ấn phẩm nghệ thuật với những hình vẽ minh họa, hay và đẹp. Theo họa sĩ Lê Vũ, những năm trước giải phóng miền Nam, các nhà sách lớn ở Nha Trang bán các tờ nhạc rất nhiều. Trai gái yêu nhau thường tặng những tờ nhạc đầy tình ý. Sau năm 1975, khi nhạc xưa không còn thịnh hành, những tờ nhạc đầy tính nghệ thuật ấy không còn được xuất bản. Và theo thời gian, những tờ nhạc ấy cũng không còn được trân trọng lưu giữ; chỉ một số ít người có ý thức sưu tầm mới gìn giữ những tờ nhạc xưa. Cách đây khoảng 15 năm, những người bán sách cũ ở đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang vẫn thường bán những tờ nhạc xưa với giá khoảng 5.000 đồng/tờ.
Vài năm gần đây, khi nhạc xưa được “phục sinh”, phong trào chơi tờ nhạc xưa mới nở rộ trở lại. Những người sưu tập tờ nhạc xưa đã lập Facebook Ảnh bìa nhạc xưa để giao lưu, trao đổi thông tin và các ấn phẩm tờ nhạc xưa. Bên cạnh đó, trang web dongnhacxua.com cũng thường xuyên đăng tải các tờ nhạc bên cạnh các bản nhạc xưa. Hiện tại, tờ nhạc xưa được bán với giá khoảng 70.000 - 100.000 đồng/tờ; với những tờ nhạc hiếm như những bản nhạc của Văn Cao, Đặng Thế Phong… được xuất bản khoảng năm 1950-1960 có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/tờ.
Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, “cha đẻ” của tờ nhạc (còn gọi là nhạc tờ, nhạc lá, bản nhạc) là ông Tăng Duyệt - Giám đốc Nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế với bản nhạc Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương vào năm 1945. Một loạt nhà xuất bản ra đời sau đó ở miền Nam đã khiến thể loại nhạc tờ này trở nên quen thuộc với công chúng. Thuở ban đầu, bìa các tờ nhạc thường được vẽ theo lối tả thực rất mượt mà, về sau, một số họa sĩ ứng dụng thêm lối vẽ lập thể vào trình bày bìa tờ nhạc. Đến đầu thập niên 1970, khi kỹ thuật in offset phát triển thì bìa tờ nhạc là ảnh của các ca sĩ nổi danh. Người mua tờ nhạc không chỉ đam mê ca hát mà còn có cả những người sưu tập vì mê các thần tượng. Sau năm 1975, Nhà xuất bản Âm Nhạc Giải Phóng cho phát hành một số bài hát cách mạng và Nhà xuất bản Trẻ in lại những tác phẩm để đời của một số nhạc sĩ lớn với kỹ thuật in hiện đại và rất đẹp nhưng chỉ được một thời gian thì ngừng. |
Anh Phương Chánh Hùng (đường Cổ Loa, TP. Nha Trang) là một trong những người sở hữu nhiều tờ nhạc xưa với gần 2.000 tờ nhạc. “Lúc tôi còn nhỏ vẫn được mấy người anh trai sai chạy qua nhà sách Mai ở đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất) mua tờ nhạc về để tập đàn. Riết rồi tôi thích luôn những tờ nhạc ấy. Sau này lớn lên, khi nhiều người vứt bỏ thì tôi lại lưu giữ”, anh Hùng cho biết. Nhiều người đã đem những tờ nhạc, tập nhạc đang lưu giữ để tặng anh; cũng có người sưu tập hàng trăm tờ nhạc kiên quyết lưu giữ mãi, đến khi thấy anh có tâm huyết mới chịu nhượng lại. Ông Hà Quang Đức (đường Ngô Gia Tự, Nha Trang) nhượng lại cho anh Hùng khoảng 200 tờ nhạc mà ông đã dày công lưu giữ qua bao thăng trầm. Đặc biệt, hiện anh Hùng còn giữ tuyển tập nhạc Phạm Duy ấn bản đặc biệt do quán nhạc Mỹ Hạnh ấn hành trước năm 1975. Theo anh Hùng, tập nhạc này anh được ông Hương - chủ tiệm thu băng đĩa Thời gian ở đường Phù Đổng tặng lại. Hiện anh Hùng vẫn tìm kiếm các tờ nhạc để làm dày hơn bộ sưu tập của mình. “Tôi chỉ trao đổi các bản nhạc nếu có nhiều hơn 1 bản để làm tăng thêm số lượng bộ sưu tập chứ không bao giờ bán. Bởi tôi đang tính sau này sẽ mở phòng trưng bày về nhạc xưa, trong đó sẽ có máy nghe nhạc, băng đĩa và tờ nhạc xưa”, anh Hùng nói.
Bà M.H ở Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh cũng là một trong những người chơi nhạc xưa ở Nha Trang. Theo giới sưu tầm, đã có nhiều người ngỏ ý muốn mua lại những tờ nhạc này nhưng bà H. không muốn bán…
Nhạc xưa đang thịnh hành trở lại nên việc lưu giữ, khai thác giá trị những bản nhạc xưa là điều hết sức cần thiết. Bởi với việc có bản nhạc gốc trong tay, các nhà sản xuất, ca sĩ sẽ hát đúng nguyên bản, tránh tình trạng sai lời gốc, bởi trên thực tế có những bản nhạc trong quá trình tồn tại đã có những dị bản. Bên cạnh đó, những tờ nhạc cũng có rất nhiều tính thẩm mỹ nên có thể được lưu giữ như một sản phẩm văn hóa.
THÀNH NGUYỄN