UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngân sách cùng nguồn kinh phí xã hội hóa sẽ được tăng cường để đầu tư cơ sở vật chất, triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao văn hóa đọc…
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngân sách cùng nguồn kinh phí xã hội hóa sẽ được tăng cường để đầu tư cơ sở vật chất, triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao văn hóa đọc…
Văn hóa đọc chưa được phổ cập
Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh có Thư viện tỉnh, 9 thư viện cấp huyện, 2 thư viện cấp xã và hơn 30 phòng đọc sách cơ sở. Hàng năm, các thư viện cấp khoảng 6.000 thẻ bạn đọc, phục vụ gần 300.000 lượt bạn đọc với hơn 600.000 lượt sách báo. Các thư viện được cấp kinh phí từ ngân sách và Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để bổ sung vốn sách phục vụ bạn đọc tại chỗ và thực hiện việc luân chuyển sách xuống cơ sở. Thư viện tỉnh còn lắp đặt mạng wifi, xây dựng kho sách mở, tạo không gian đọc sách thoải mái, cải tiến cung cách phục vụ để thu hút bạn đọc.
Ngoài ra, các trường tiểu học, trung học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, phòng đọc sách. Thư viện các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được hiện đại hóa nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc lựa chọn sách báo, tài liệu phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu. Điển hình như Trường Đại học Nha Trang đã đầu tư xây dựng hệ thống thư viện có 3 tòa nhà đủ cho 1.000 chỗ ngồi, với khoảng 60.000 bản sách in và 40.000 tài liệu điện tử.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cấp, ngành, đối tượng đọc chưa thực sự phổ cập trong xã hội mà chỉ tập trung ở các nhà nghiên cứu, cán bộ nghỉ hưu, học sinh, sinh viên. Tại Thư viện tỉnh, số học sinh, sinh viên chiếm 60 - 70% lượng độc giả. Hàng năm, Thư viện tỉnh cấp từ 3.000 đến 4.000 thẻ bạn đọc, mỗi thư viện huyện cấp khoảng 350 thẻ, thư viện cấp xã hoặc phòng đọc sách cấp khoảng 100 thẻ. Con số trên cho thấy, bình quân chỉ có khoảng 5% dân số của tỉnh đến sử dụng thư viện công cộng cho việc đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu. Bên cạnh đó, mạng lưới thư viện cấp xã, bưu điện văn hóa xã, tủ sách công cộng trên địa bàn tỉnh tuy đã phát triển nhưng chất lượng tổ chức và hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu đọc của người dân, vốn sách báo ít, không có kinh phí bổ sung sách báo, không có cán bộ chuyên trách, cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu... Mô hình luân chuyển sách xuống cơ sở của Thư viện tỉnh, thư viện huyện mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu đọc. Chính sách đầu tư của Nhà nước để tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển còn hạn chế…
Quan tâm đầu tư
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, Thư viện tỉnh, 100% thư viện cấp huyện và 50% thư viện cấp xã cung cấp dịch vụ Internet miễn phí. Khoảng 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời. Mỗi người dân trung bình đọc 4 cuốn sách/năm… |
Theo kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành, giai đoạn 2017 - 2020, ngân sách tỉnh sẽ tăng cường vốn tài liệu cho hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh; xây dựng bộ sưu tập số hóa tài liệu; trang bị xe ô tô thư viện lưu động cho thư viện cấp tỉnh. Ngân sách cấp huyện sẽ hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển mạng lưới thư viện, nhà sách, tủ sách tại địa phương; tăng cường vốn tài liệu cho hệ thống thư viện công cộng cấp huyện, xã, trung tâm học tập cộng đồng, các điểm bưu điện văn hóa xã, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Đồng thời, triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Nguồn ngân sách được sử dụng lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan; mặt khác, cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội cho việc phát triển văn hóa đọc.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan thực hiện thí điểm xây dựng thư viện điện tử, huy động sự tham gia của các phương tiện truyền thông về việc tuyên truyền văn hóa đọc như: xây dựng chuyên mục thường kỳ; biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực; tổ chức các câu lạc bộ, hội sách. Đồng thời, xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư cho phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học... Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Việc phát triển văn hóa đọc có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một xã hội học tập, đưa tinh thần học tập suốt đời tới mọi tầng lớp nhân dân. Thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo rà soát, kiện toàn hệ thống thư viện trường học; xây dựng và phát triển nguồn học liệu mở; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Văn hóa trong việc luân chuyển sách từ thư viện cấp tỉnh và huyện về thư viện các trường học…”.
T.V