11:06, 20/06/2017

Khi nhà báo viết ký sự

Không hẹn mà gặp, nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, nhà báo Nguyễn Tập - phóng viên Báo Thanh Niên và nhà báo Trần Tuấn - Trưởng ban đại diện Báo Tiền Phong tại miền Trung cùng ra mắt tác phẩm mới.

Không hẹn mà gặp, nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, nhà báo Nguyễn Tập - phóng viên Báo Thanh Niên và nhà báo Trần Tuấn - Trưởng ban đại diện Báo Tiền Phong tại miền Trung cùng ra mắt tác phẩm mới. Đó là tác phẩm Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero (Nguyễn Tập), Uống cà phê trên đường của Vũ (Trần Tuấn). Mỗi người một phong cách, nhưng cả 2 cuốn sách đều khá thú vị, nhất là với những ai thích đọc ký sự.

 

1. Khác với những cuốn sách du ký của các tác giả trẻ xuất bản gần đây được viết theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero ngồn ngộn chất liệu thực tế, ghi chép lại hành trình dấn thân khám phá, thâm nhập Trung và Nam Mỹ của tác giả. Cuốn du ký gồm 4 phần: Amazon (Trong rừng thẳm Amazon), Mexico (Xứ sở của những chiếc đầu lâu pha lê), Peru (Bay trên thành phố đá) và Cuba (Lang thang trên quê hương Bolero). Hành trình từ thành phố đá Machu Picchu đến sa mạc Nazca của Peru; từ kim tự tháp El Castillo đến vùng đất của những chiến binh Zapatista bịt mặt; từ hành trình đi tìm thổ dân Matsés ở Amazon đến chuyện đi săn cá cọp piranha giữa đại ngàn... được nhà báo Nguyễn Tập kể lại rất hấp dẫn. Xen lẫn trong đó là những câu chuyện về bùa chú, ma thuật, bói toán còn sót lại nơi những đô thị song hành đời sống văn minh - hoang dã; những phong tục lạ lùng của những bộ lạc trong rừng thẳm. Người đọc rất thú vị khi biết người Peru có thói quen nhai lá coca để dự đoán điềm lành - gở cũng như việc người Inca dùng lá coca làm thuốc lẫn đơn vị trao đổi cách đây 4.000 năm; là chuyện về ông cụ người Matsés đã từ chối sự văn minh đang len lỏi vào bộ tộc để náu thân nơi rừng già.


Không chỉ có những lễ hội với các vũ công nóng bỏng, những bộ lạc với nghi lễ thần bí, những giấc mơ hoang về nền văn minh đã mất…, Nam Mỹ còn có những phận người rớt lại sau dấu chân của kẻ lữ hành. Đó là những người dân nghèo ở chợ Puno dậy trước 4 giờ sáng, đầm mình vào sông lạnh như đông đá nhặt từng hòn “cuội tiền”, không phải để cầu may mắn cho mình mà để bán ước mơ đó cho người giàu. Và người đọc chắc hẳn không quên chuyện về Văn - một người Việt trốn thoát khỏi tàu đánh cá Đài Loan, lưu lại Peru nhọc nhằn mưu sinh mà không biết bao giờ mới kiếm đủ tiền vé máy bay để về thăm quê nhà và trả được món nợ vay đi xuất khẩu lao động...


Tập sách thật sự là một cuốn du ký đầy sức nặng. Trong đó, Nguyễn Tập đã khai thác triệt để thế mạnh của một nhà báo với những tấm ảnh “biết nói”, những “box” cung cấp thông tin ở cuối mỗi bài... hay cách nhìn nhận vấn đề với con mắt phản biện, so sánh. Cuốn du ký càng đặc sắc hơn khi bên cạnh các bài viết, tác giả còn lưu lại dấu ấn các vùng đất qua các bức ký họa.

 

Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero  của nhà báo Nguyễn Tập

Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero của nhà báo Nguyễn Tập

 

2. Cũng là một tập ký sự, Uống cà phê trên đường của Vũ của nhà báo Trần Tuấn lại đậm chất suy tư. Phần 1 của tập sách (Miền đất) là những trang viết thấm đẫm tình người ở những vùng đất tác giả đã đi qua, từ ngút ngàn Trường Sơn đến dặm dài Biển Đông, từ Sa Pa đến Cà Mau. Ẩn chứa trong đó là một tình yêu Tổ quốc sâu đậm. Với Trần Tuấn, một vốc nước ngọt lừ nơi cuối trời Tổ quốc ở Cà Mau quê xứ, một viên đá xanh giữa mây trắng Hải Vân, một giọt nước mặn giữa trời biển Hoàng Sa... đều gợi nên dáng hình Tổ quốc, gợi nhớ đến lịch sử nhiều thăng trầm của cha ông.   


Những ký sự ấy dẫu hay nhưng dường như chỉ mới là vài nét phác thảo sơ qua. Phần 2 (Miền tâm tưởng) mới chính là nơi để Trần Tuấn thể hiện hết thế mạnh trong ký sự của mình. Dưới bóng Ấn sơn, Tìm dấu chân Phật bên bờ Mê Kông, Uống cà phê trên đường của Vũ, Nắng Chăm, Trăm tuổi khói sương, Người linh sơn, Ánh sáng kinh thành trong lòng đất... là những trang viết giàu tư liệu, chất chứa nhiều suy tư. Những gương mặt văn nghệ, những huyền tích, những suy tư dằn vặt đến nao lòng... mà anh đưa vào trang viết để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc. Khác với những trang du ký hừng hực lôi cuốn người đọc khám phá những miền đất xa lạ, sau mỗi ký sự của Trần Tuấn, người đọc lại phải dừng lại để nghĩ ngợi. Không nghĩ ngợi sao được, khi trong những trang viết ấy “có dằn vặt đời người, có lời thì thầm của cây cỏ, của linh hồn trước sự hỗn hào, bạo ngược của con người, có nắng có ánh sáng từ thuở mặt đất chưa sinh, có nỗi nhớ quá vãng đi qua chính mình... để rồi thấy mọi thứ như tiếng thạch sùng tặc lưỡi gọi tàn phai” - nhận xét của nhà báo Trung Việt.


Với tập sách này, người đọc như thấy Trần Tuấn trầm tư dưới bóng núi, một kẻ độc hành qua miền tâm tưởng.


THÀNH NGUYỄN