06:04, 05/04/2017

Phim Người phán xử: Hấp dẫn từ phút đầu

Dù mới trải qua vài tập, phim Người phán xử (46 tập, kịch bản chuyển thể từ The Abitrator - tác phẩm của Israel) đã mang đến cho khán giả những ấn tượng mạnh mẽ từ nhân vật cho tới cách kể chuyện và diễn xuất. Bên cạnh đó, phim cũng hấp dẫn bởi lời thoại sinh động, giàu tính triết lý…

Dù mới trải qua vài tập, phim Người phán xử (46 tập, kịch bản chuyển thể từ The Abitrator - tác phẩm của Israel) đã mang đến cho khán giả những ấn tượng mạnh mẽ từ nhân vật cho tới cách kể chuyện và diễn xuất. Bên cạnh đó, phim cũng hấp dẫn bởi lời thoại sinh động, giàu tính triết lý…


Người phán xử (phát sóng lúc 21 giờ 30 thứ Tư và thứ Năm hàng tuần trên kênh VTV3) khai thác đề tài về hoạt động tội phạm, băng nhóm có tổ chức thời kinh tế thị trường. Chuyện phim xoay quanh gia đình Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) - một ông trùm trong giới giang hồ núp bóng đằng sau lớp vỏ doanh nhân thành đạt, từ đó mở ra bức tranh về cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại cũng như hành trình gian nan chống tội phạm ở vùng biên giới. Điểm nhấn của phim là ông trùm Phan Quân, người rất coi trọng gia đình và sống rất nguyên tắc. Ngay đầu phim, qua tình huống ông trùm Phan Quân “phán xử” mâu thuẫn giữa Luân “Sứa” và anh em Tuấn, Tú rất thuyết phục khán giả đã thấy Phan Quân không chỉ là một người đàn ông đầy góc cạnh, cáo già trong giới giang hồ, mà còn chứng tỏ được cái uy và tầm nhìn xa của ông trùm giang hồ vùng biên. Đối lập với Phan Quân luôn trọng chữ tín, coi trọng gia đình là Phan Hải (con trai Phan Quân) tính tình nông nổi, hiếu thắng, luôn để lại sơ hở trong việc làm ăn cũng như giải quyết mâu thuẫn tình, tiền. Bên cạnh đó, những nhân vật như: Lương “bổng” - đàn em thân tín của Phan Quân, anh em Tuấn - Tú đầy tham vọng… làm tăng thêm kịch tính của phim.

 

Cảnh phim Người phán xử
Cảnh phim Người phán xử


Người phán xử hấp dẫn khán giả bởi kịch bản có chiều sâu với các nhân vật có tính cách đa dạng, mối quan hệ chằng chéo nhiều tầng lớp, diễn biến nhanh, nhiều tình tiết bất ngờ. Những người chuyển thể đã làm rất tốt việc Việt hóa kịch bản. Đội hình diễn viên chất lượng, diễn xuất nhập vai đã làm tăng sức hút của phim. NSND Hoàng Dũng đã chứng tỏ được khả năng của một diễn viên gạo cội khi thể hiện thần thái của Phan Quân - ông trùm quyền lực có cá tính sắc nét. Với vẻ ngoài bí hiểm, khuôn mặt góc cạnh, NSƯT Trung Anh cũng rất thành công với vai Lương “bổng”, đàn em thân tín, đắc lực của Phan Quân. Phim có lối kể chuyện khá hiện đại khi chuyển cảnh liên tục, các cảnh hành động được dàn dựng hấp dẫn với tiết tấu nhanh, đúng chất. Bộ phim thu hút còn ở cuộc chiến tâm lý gay cấn giữa các thành viên trong gia đình Phan Thị; những toan tính, ham muốn của những con người sống trong xã hội vùng biên nơi sáng và tối, thiện và ác đan xen lẫn lộn. Những màn đấu khẩu giữa Phan Quân và con trai Phan Hải cũng hấp dẫn không kém những cảnh hành động về tranh chấp địa bàn, giải quyết mâu thuẫn tình, tiền trong giới giang hồ.


Điểm ấn tượng của phim chính là lời thoại. Khác với phần lớn phim truyền hình Việt Nam thường lời thoại rất sáo rỗng, Người phán xử có lời thoại rất “đắt”. Chẳng hạn Phan Quân dạy những người con của mình: “Gia đình là cái tồn tại duy nhất, còn những cái khác có hay không có, không quan trọng”; “Tiền chỉ là ảo ảnh thôi. Dù con là tỷ phú thì con vẫn không được tôn trọng nếu không biết tôn trọng cha mình”…


Dù mới khởi đầu, nhưng Người phán xử đã rất hút khán giả. Trên các diễn đàn về phim ảnh, khán giả đã dành nhiều lời khen ngợi về kịch bản phim, cách thức dàn dựng cũng như diễn xuất của diễn viên. Điều này cho thấy, nếu được đầu tư nghiêm túc, tâm huyết, phim truyền hình Việt có thể chiếm sóng “giờ vàng”, và đủ sức để cạnh tranh với phim truyền hình các nước trong khu vực.


THÀNH NGUYỄN