Với sự gần gũi về văn hóa, lịch sử, suốt một thời gian dài, người Việt đã được tiếp xúc rất nhiều với văn học, điện ảnh và âm nhạc của Liên Xô - Nga.
Với sự gần gũi về văn hóa, lịch sử, suốt một thời gian dài, người Việt đã được tiếp xúc rất nhiều với văn học, điện ảnh và âm nhạc của Liên Xô - Nga. Những ca khúc nước Nga với giai điệu lãng mạn, lời ca giàu sức sống đã ăn sâu vào tâm hồn người Việt, tiếp thêm niềm tin và động lực để thế hệ trẻ Việt Nam vượt qua khó khăn, học tập và cống hiến cho đất nước.
Trong chặng đường hơn 10 năm làm nghề, tôi đã gặp khá nhiều người từng học tập ở Liên Xô - Nga như: bác sĩ Võ Thanh Danh - nguyên Giám đốc Sở Y tế (nay đã mất); kiến trúc sư Ngô Toàn - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân; cô giáo Phan Thúy Phương - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang... Mỗi khi nhắc đến nước Nga, họ lại kể một cách say sưa về những kỷ niệm trong những năm tháng sống ở xứ sở Bạch Dương, về văn học và âm nhạc Nga. Những ca khúc như: Kachiusa, Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Thời thanh niên sôi nổi, Chiều hải cảng... đã trở thành một phần ký ức không thể quên của thế hệ ngày ấy.
Bìa Album Tình ca Nga vượt qua thế kỷ |
Còn nhớ, kiến trúc sư Ngô Toàn (học tại Trường Đại học xây dựng Kiev (Liên Xô cũ) từ năm 1961 - 1966) kể rằng, thế hệ của ông ai cũng khát khao được cống hiến, chiến đấu, xây dựng quê hương đất nước. Những bài ca như: Kachiusa, Thời thanh niên sôi nổi, Cuộc sống ơi ta mến yêu người... đã trở thành hành trang, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ vượt qua khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong những năm ở Kiev, do có khiếu âm nhạc nên ông Toàn được bầu làm đội trưởng đội văn nghệ của sinh viên Việt Nam; từng được tham gia biểu diễn cùng nghệ sĩ Trung Kiên, Kiều Hưng (lúc ấy vừa sang học ở Nhạc viện Kiev) nhân Quốc khánh Việt Nam 2-9 để Đài Truyền hình Kiev ghi hình. Cách đây mấy năm, ông còn làm hẳn đĩa nhạc Nga để tặng bạn bè.
Trong trào lưu âm nhạc Nga du nhập vào Việt Nam, Kachiusa là bài hát nổi tiếng nhất. Với nét nhạc dìu dặt tha thiết lướt đi như sóng, những lời ca đầy niềm tin yêu, Kachiusa đã góp phần động viên những người lính vững lòng chiến đấu giải phóng, bảo vệ quê hương và ước mơ hy vọng vào ngày mai tươi sáng. Nhắc đến nhạc Nga, nhiều người sẽ còn nhớ đến Chiều Matxcơva với lời ca êm đềm: “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào. Rừng cây chim muông lắng xuống canh thâu. Hỡi em thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến. Moskva bên chiều vắng thanh bình...”. Giai điệu bay bổng và lãng mạn, lời ca giàu chất thơ của bài hát này qua phần trình diễn của NSND Trung Kiên đã in đậm vào niềm nhớ của nhiều thế hệ người Việt yêu nhạc Nga. Trong thập niên 60 - 70, ca khúc Thời thanh niên sôi nổi đã thúc giục nhiều người lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ. Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ. Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta. Trời cao muôn vì sao chói lòa...”, những lời ca đầy nhiệt huyết đã trở thành bài ca của tuổi trẻ một thời. Và nhắc đến nhạc Nga, không thể không nói đến Triệu đóa hoa hồng qua phần trình diễn của nữ danh ca Alla Pugacheva. Câu chuyện tình yêu của anh họa sĩ đã trở thành một trong những bản nhạc Nga được yêu thích nhất trên toàn thế giới.
Nước Nga tuy xa xôi về địa lý nhưng lại gần gũi về văn hóa, lịch sử. Với nhiều người Việt, nghe nhạc Nga là cách để hiểu thêm được khí chất nước Nga, sự vĩ đại và chiều sâu tâm hồn của nó!
THÀNH NGUYỄN
Huyền thoại Kachiusa
Ca khúc Kachiusa được nhạc sĩ Matvei Isaakovich Blanter sáng tác năm 1938, với phần lời của nhà thơ Mikhail Vasilyevich Isakovsky. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức (1941 - 1945), Kachiusa được hát khắp nơi, trở thành nguồn động viên các chiến sĩ hồng quân chiến đấu chống quân thù. Xung quanh ca khúc này có rất nhiều huyền thoại về nguyên mẫu của bài hát.
Ở Việt Nam, Kachiusa được ca sĩ Nguyễn Anh Cường dịch ra lời Việt và in trên Tạp chí Điện ảnh Hà Nội năm 1955 với tên “Katerina gửi người chiến sĩ biên thùy”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng có dịch Kachiusa. Lời bài hát Kachiusa mọi người thường nghe chính là bản dịch của ca sĩ Nguyễn Anh Cường.