10:11, 08/11/2016

Ảnh nghệ thuật và căn bệnh lạm dụng photoshop

Mới đây, một nghệ sĩ nhiếp ảnh khá tên tuổi của Khánh Hòa đã bị loại tác phẩm khỏi Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2016. Đây không phải là chuyện mới lạ, bởi thời gian gần đây, làng ảnh nghệ thuật trong nước đã ồn ào bởi nhiều vụ lạm dụng photoshop để chỉnh sửa tác phẩm.

Mới đây, một nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) khá tên tuổi của Khánh Hòa đã bị loại tác phẩm khỏi Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2016. Đây không phải là chuyện mới lạ, bởi thời gian gần đây, làng ảnh nghệ thuật trong nước đã ồn ào bởi nhiều vụ lạm dụng photoshop để chỉnh sửa tác phẩm.


Nhiều ảnh bị tước giải, loại khỏi triển lãm


Tại triển lãm ảnh Di sản Việt Nam 2016 (do Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức ở Trường Đại học Nha Trang) mới đây, nhiều người trong nghề đã nhận xét một số ảnh quá lạm dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh photoshop dù quy chế của cuộc thi có quy định “không chấp nhận ảnh được xử lý kỹ thuật làm thay đổi nội dung và bản chất sự việc”.

 

Tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” bị hủy huy chương vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật  khu vực Hà Nội lần thứ V-2016
Tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” bị hủy huy chương vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V-2016


Thời gian gần đây, làng ảnh nghệ thuật trong nước đã ồn ào bởi nhiều vụ lạm dụng photoshop, cắt ghép hình ảnh để tạo tác phẩm dự thi. Mới nhất, tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ V, ngày Ban tổ chức trao huy chương vàng cho bức ảnh Họa sĩ Phan Kế An của tác giả Nguyễn Đắc Như, dư luận đã lên tiếng bởi đây là tác phẩm cắt ghép rất lộ liễu. Ngay sau đó, tác giả Nguyễn Đắc Như đã có đơn xin rút không nhận giải thưởng, đồng thời xin rút toàn bộ ảnh triển lãm và ảnh đoạt giải của liên hoan. Ban giám khảo cũng không ghi nhận giải thưởng. Cũng tại cuộc thi này, bức ảnh Vì thành phố xanh - sạch - đẹp của tác giả Phạm Hoàng Nam đạt huy chương bạc cũng bị những người trong nghề “tố” là ảnh cắt ghép. Trước đó, Ban tổ chức Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía bắc lần thứ 16 đã phải loại bỏ huy chương vàng đối với tác phẩm Ấm no ở vùng cao của tác giả Vũ Chiến (Yên Bái) do lạm dụng kỹ thuật xử lý chắp ghép bằng hình ảnh, vi phạm thể lệ cuộc thi.


Năm 2015, làng ảnh Việt Nam đã dậy sóng khi bức ảnh Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác của NSNA Đoàn Công Tính từng gây ấn tượng mạnh tại Visa pour I’Image Perpignan 2014 (Festival báo chí lớn nhất thế giới tổ chức hàng năm ở TP. Perpignan, miền Nam nước Pháp) bị phát hiện có sự can thiệp của photoshop. Báo The NewYork Times của Mỹ đã rút bức ảnh này xuống khỏi bản online (trước đó tờ báo đã chọn bức ảnh này làm tiêu điểm cho loạt ảnh giới thiệu về ảnh chiến trường Việt Nam tại Perpignan). Sau đó, NSNA Đoàn Công Tính đã thừa nhận do phim gốc không đạt nên ông đã nhờ một người bạn chỉnh sửa để treo chơi. Dù tác giả đã giải thích việc bức ảnh này được gửi đến liên hoan chỉ là vô tình thì không ít người cũng thật sự tiếc cho một NSNA gạo cội như ông lại dính vào một vụ tai tiếng như vậy.


Hiện nay, việc sử dụng photoshop rất phổ biến trong giới nhiếp ảnh ở Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung. Theo NSNA Trần Minh Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh), từ năm 2015 trở về trước, các cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật của tỉnh, khu vực và quốc gia đều không cấm việc ghép ảnh, cũng không yêu cầu tác giả phải gửi file ảnh gốc. Đến đầu năm 2016, khi tình trạng sử dụng photoshop ngày càng tràn lan, Hội NSNA Việt Nam mới có quy định không chấp nhận ảnh chắp ghép. Tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, sau khi chọn được 151 tác phẩm để triển lãm, Ban tổ chức đã loại 10 ảnh vì vi phạm quy chế. Mới nhất, một NSNA khá nổi tiếng của Khánh Hòa có tác phẩm bị loại khỏi triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2016 vì bị phát hiện dùng photoshop ghép ảnh.


Liên quan đến vấn đề này, NSNA Trần Hải Bình cho biết, việc dùng photoshop ngày càng tinh vi, nhưng có thể dùng phần mềm để kiểm tra, phát hiện một bức ảnh có qua chỉnh sửa hay không. Tuy nhiên, đến nay Ban giám khảo các cuộc thi ảnh lại chưa chú trọng đến điều này nên vẫn có trường hợp ảnh bị phạm quy vẫn lọt vào triển lãm, đoạt giải khiến dư luận râm ran.


Nên dùng photoshop đến đâu?


NSNA Long Thành, một trong số ít người vẫn trung thành với máy ảnh chụp phim truyền thống, bày tỏ: Dùng máy cơ hay máy ảnh kỹ thuật số đó là sự lựa chọn của mỗi người, tuy nhiên việc dùng kỹ thuật chỉnh sửa ảnh để cắt ghép, lai tạo tác phẩm là điều khó chấp nhận. Nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc. Với nghệ sĩ có lòng tự trọng, tay nghề cao, để có được những khoảnh khắc họ phải mất thời gian bỏ công sức chờ đợi, trông ngóng, săn đuổi nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Còn với những ai muốn theo kiểu “mì ăn liền” thì chụp nhanh, chụp vội rồi về nhờ công nghệ chỉnh sửa thêm bớt để có bức ảnh như ý muốn.


Một số NSNA khác như: Hà Bình, Lê Bá Dương... lại có cách nhìn cởi mở hơn về vấn đề này. Theo các nghệ sĩ này, việc dùng phần mềm để chỉnh sửa sáng tối, màu sắc, cắt ảnh có thể chấp nhận được, tuy nhiên việc dùng phần mềm để chắp ghép ảnh tạo tác phẩm dự thi là điều không nên, bởi khi đó nó đã không còn đúng thực tế nữa. Những năm trước đây, ở các cuộc thi ảnh nghệ thuật của Khánh Hòa, dù ban tổ chức không cấm việc chắp ghép ảnh nhưng khi chấm giải Ban giám khảo vẫn loại những bức ảnh lạm dụng photoshop quá mức, chắp ghép sai thực tế. “Nghệ thuật rất cần sự trung thực. Việc một tác phẩm ảnh có vấn đề vi phạm phụ thuộc vào đạo đức của tác giả, bởi trước khi gửi ảnh dự thi, tác giả hiểu hơn ai hết thể lệ nghiêm cấm những bức ảnh đã qua chỉnh sửa. Và các tác giả cũng nên biết rằng, ngoài Hội đồng giám khảo ở mỗi cuộc thi còn có sự soi xét của giới nhiếp ảnh, giá trị vĩnh cửu của mỗi tác phẩm được khẳng định bằng sự thẩm định khắc nghiệt của thời gian”, NSNA Hà Bình nói.


XUÂN THÀNH