06:10, 31/10/2016

Lắng đọng cảm xúc với Giai điệu tự hào tháng 10

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 10 - Tình trong lá thiếp phát sóng vào tối 29-10 đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc lắng đọng.

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 10 - Tình trong lá thiếp phát sóng vào tối 29-10 đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc lắng đọng.


Giai điệu tự hào tháng 10 với chủ đề “Tình trong lá thiếp” lấy bối cảnh sau hiệp định Geneve 1954, đất nước bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Hàng triệu tấm bưu thiếp được gửi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc được xem là nhân chứng sống thể hiện sự chia ly, nỗi đau xa cách của người dân Việt Nam trong giai đoạn này.

 

Bộ đôi giọng ca Quang Hào và Huyền Trang thể hiện ca khúc “Tình trong lá thiếp”
Bộ đôi giọng ca Quang Hào và Huyền Trang thể hiện ca khúc “Tình trong lá thiếp”


Có rất nhiều ca khúc hay, nổi tiếng đã ra đời trong hoàn cảnh đau thương này, chứa đựng nỗi lòng kẻ ở người đi như: Tình trong lá thiếp, Gửi người em gái miền Nam... Từng lời ca câu hát đều như gói ghém nỗi niềm của người nghệ sĩ, nói hộ cái tôi cá nhân của con người với những rung cảm sâu sắc.


Các ca khúc được chọn thể hiện trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 10 đã mang đến cho khán giả và hội đồng bình luận những xúc cảm khó quên, khơi gợi những kỷ niệm về một thời chiến tranh đau thương nhưng anh dũng, hào hùng. Ca khúc Tình trong lá thiếp (sáng tác: Phan Huỳnh Điểu) được Giám đốc âm nhạc Thanh Phương tin tưởng gửi gắm cho 2 giọng ca Quang Hào và Huyền Trang. Chất liệu âm nhạc world music mới mẻ mang đến một hơi thở hiện đại cho một bài hát vốn đã quá quen thuộc. Nhưng chất dân tộc của Tình trong lá thiếp không hề mất đi nhờ lối hát nhẹ nhàng đầy cảm xúc của Quang Hào - Huyền Trang và tiếng đàn tranh đậm đà cảm xúc quê hương. Trong khi đó, ca khúc Gửi người em gái miền Nam (sáng tác: Đoàn Chuẩn, Từ Linh; biểu diễn: NSƯT Tấn Minh) lại mở ra một không gian nhẹ nhàng, lãng mạn nhờ bản phối mang phong cách Soul Jazz quyến rũ. Giọng hát ca sĩ Tấn Minh lúc trầm lúc bổng kết hợp với những ngắt nhả vô cùng tinh tế sở trường đã mang lại nhiều cảm nhận mới mẻ.


Ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội được nghệ sĩ Thái Thanh hát năm 1971 sau đó bị lưu kho. Đến năm 1991, Hồng Nhung thu âm lại và bài hát trở nên rất nổi tiếng. Khi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Trần Quang Lộc và nhà thơ Tô Như Châu chưa một lần đặt chân đến Hà Nội. Cũng giống như nhiều thanh niên miền Nam thời đó, nhạc sĩ Tô Như Châu mang trong lòng một “bóng hồng” đất Hà thành và vì thế tình cảm với mảnh đất ấy cũng trở nên lãng mạn, thi vị hơn.


Trong chương trình, Bài ca hy vọng (sáng tác: Văn Ký) được thể hiện một cách lắng đọng qua giọng ca Khánh Linh. Vẫn còn đó sự hào sảng nhưng trong trẻo hơn, lắng đọng hơn. Giọng hát của Khánh Linh kết hợp với tiếng đàn guitar acoustic mộc mạc tinh tế đưa người nghe trôi vào một miền hy vọng đẹp đẽ đầy cảm xúc. Ca khúc Áo lụa Hà Đông (nhạc: Ngô Thụy Miên; lời: Nguyên Sa) cũng có một cách thể hiện khác với giọng ca của Hồ Trung Dũng. Rất khó để so sánh với sự thể hiện của danh ca Tuấn Ngọc từng thể hiện thành công bài hát này trước đó, nhưng Hồ Trung Dũng cũng đã tìm ra được cách riêng của mình cho bài hát.


Tình ca là bài hát về tình yêu quê hương vừa da diết vừa mãnh liệt trong một giai điệu đẹp và tràn đầy cảm xúc. Thông thường ca khúc này hay được các giọng ca thính phòng thể hiện, tuy nhiên, Giai điệu tự hào tháng 10 có một sự thử nghiệm mới mẻ qua giọng hát của Trung Quân idol. Lúc cao vút, lúc nhẹ nhàng, lúc da diết như lời tự sự, Trung Quân idol đã khiến nhiều khán giả trẻ có mặt trong trường quay của chương trình rưng rưng.


Câu hò bên bờ Hiền Lương được ca sĩ Vân Khánh thể hiện lại bằng một bản phối mới có tiết tấu nhẹ nhàng, điểm xuyết thêm những nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn tranh như vẽ nên bức tranh về một bến bờ miền quê xa khuất chân trời luôn trong tim của nhạc sĩ và những người phải xa quê trong thời chiến…


Đ.V (Theo VTV)