Có một miền nhớ vẫn mãi xanh màu theo năm tháng cuộc đời, dẫu cho cuộc sống mãi là những chuyến hành trình chưa bao giờ ngưng nghỉ...
Tranh do tác giả ghép bằng hoa phượng, một cách ghép tranh bằng hoa lá thời học trò. |
Có một miền nhớ vẫn mãi xanh màu theo năm tháng cuộc đời, dẫu cho cuộc sống mãi là những chuyến hành trình chưa bao giờ ngưng nghỉ. Với tôi, miền nhớ ấy là những năm tháng tuổi thơ ở vùng quê nghèo khó nhưng thấm đượm tình làng nghĩa xóm.
Ở nơi đó, họ chia cho nhau từng nải chuối, buồng cau, từng mớ rau sau vườn, và cả những lúc khó khăn “tối lửa tắt đèn” có nhau.
Ở nơi đó, có lũ bạn chăn trâu nghịch phá cứ mải ham chơi quên đàn trâu đi lạc. Có hôm, trâu sang đồng người ta phá hay chén no say luống rau nhà hàng xóm, đến độ đứa nào đứa nấy bị đánh sưng cả mông, vậy mà mỗi khi chăn trâu chẳng đứa nào nhớ, chỉ biết vui chơi thỏa thích, chẳng mảy may mọi thứ xung quanh.
Ở nơi đó, tôi có những chiều cùng mẹ đi chặt những quày chuối già mang ra chợ bán đổi lấy chút tiền mua sách vở cho anh em tôi. Có khi tôi lại lẽo đẽo theo nội chặt những tàu lá chuối khô mang về bó thành chùm làm ổ cho đàn heo. Nhưng thường thì tôi chỉ theo nội được một lúc. Đa phần khi nội chặt được những tàu lá chuối khô đầu tiên thì lúc ấy y như vớ được… vàng, tôi thường dùng nó để làm ngựa cưỡi hay kết thành những bộ “áo giáp”. Rồi lại í ới gọi lũ bạn chia phe đánh trận giả. Trận đánh kéo dài cho đến khi bóng tối lan dần ra.
Ở nơi đó, tôi có những chiều háo hức cùng ba lên xóm trên xem người ta chiếu phim. Ngày ấy ti vi đâu có nhiều như bây giờ, chỉ những gia đình khá giả mới có nên lũ trẻ xóm tôi hay kéo nhau thành nhóm để đi xem và cũng tiện cho việc đi về. Cứ độ chiều về là cả nhóm lại chuẩn bị những cây đuốc lá dừa để thắp sáng vào những đêm không trăng…
Ở nơi đó, nội vẫn lặng lẽ cầm tấm ảnh chú Út bên cánh võng theo lời ru rưng rức. Ngày còn nhỏ, tôi chẳng hiểu vì sao mỗi khi ăn cơm nội thường bảo tôi: “Bây kêu chú Út về ăn cơm”. Tôi chẳng hiểu vì sao? Bởi chú Út đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Ngày giỗ chú, nội lại đưa mắt nhìn về phía đại ngàn xa ngái. Cơn gió lay khẽ hàng cây sau nhà, những lúc ấy nội vẫn thường gọi: “Bây về đó hả Út ơi!”. Ở nơi đó, có những chiều mẹ ngồi tựa cửa nhìn về phía xa xa nào đó trông tin đứa con gái lấy chồng xa xứ, để rồi mỗi khi nhìn thấy dáng ai vừa qua ngõ mẹ lại rưng rưng dòng nước mắt…
Ở nơi đó, tôi có những lần xa quê biền biệt, vì gánh nặng áo cơm. Để mỗi khi chiều về lại khát thèm một làn hơi của ba, sự vỗ về của mẹ và những điệu hò của bà. Đồng quê ngày ấy vẫn vậy, từng lối cũ tôi qua dường như còn đâu đấy những dấu chân, những tiếng cười của lũ trẻ đầu trần, chân đất quê tôi… Nơi đó, có một miền cổ tích vẫn mãi đong đầy theo mỗi bước chân đi.
Nguyễn Chí Ngoan