Hàng năm, vào tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, lễ cúng tế diễn ra tại nhiều đình, miếu, lăng tẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh nghi thức thờ cúng trang trọng, "hát án" - biểu diễn nghệ thuật truyền thống là hoạt động văn hóa giải trí độc đáo, không thể thiếu đã thu hút đông đảo người dân địa phương...
Hàng năm, vào tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, lễ cúng tế diễn ra tại nhiều đình, miếu, lăng tẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh nghi thức thờ cúng trang trọng, “hát án” - biểu diễn nghệ thuật truyền thống là hoạt động văn hóa giải trí độc đáo, không thể thiếu đã thu hút đông đảo người dân địa phương...
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Miếu Linh Cầm. |
Rộn ràng lễ hội đình làng
Từ tháng 2 âm lịch, các đình làng, miếu thờ tại Khánh Hòa rộn ràng với lễ hội truyền thống. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh độc đáo diễn ra hàng năm, là dịp để tạ ơn các bậc tiền hiền và cầu mong “mưa thuận gió hoà”, cầu làng xóm bình yên, quốc gia thịnh vượng. Hoạt động này không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh, thể hiện nhu cầu của con người về chỗ dựa tinh thần, mà còn là bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt đã tồn tại qua bao đời.
Lễ hội được tổ chức tại nhiều đình, miếu, lăng tẩm như: Đình Phú Nông (thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang); Đình Xương Huân (phường Xương Huân, TP. Nha Trang); Miếu Linh Cầm (thôn Xuân Phong, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang); Đình Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh)…
Ông Tư Nhuận – người đã nhiều năm tham gia Ban tổ chức lễ hội tại Lăng Ông Nam Hải, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang cho biết: “Kinh phí tổ chức lễ phần lớn do các mạnh thường quân và người dân địa phương đóng góp. Dân làng luôn ủng hộ nhiệt tình hoạt động này và tham dự rất đông, vì thế hoạt động tâm linh này còn mang ý nghĩa kết nối tình làng nghĩa xóm.”
Trích đoạn trong vở tuồng Ngũ Hổ Bình Nam. |
Đắt sô hát tuồng
Theo chân đoàn Nghệ thuật tuồng cổ Phước Thành đến với Miếu Linh Cầm, chúng tôi mới thấy rõ không khí rộn ràng, đông vui của lễ hội. Sau nghi lễ, phần “hát án”, biểu diễn nghệ thuật tuồng là một phần quan trọng của lễ hội, thu hút đông đảo bà con đón xem. “Đây là một loại hình nghệ thuật phục vụ nghi lễ và cũng là một hình thức giải trí dân gian của bà con địa phương. Các vở tuồng thường được chọn hát như Tam Quốc Chí, Ngũ hổ Bình Tây, Ngũ Hổ Bình Nam, Tam chiến Lữ Bố, Phục Huê Dung, Lưu Kim Đính, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Huê thần nữ dâng ngũ linh kỳ…” - anh Nguyễn Hữu Tuyến, Quản lý Đoàn Nghệ thuật Phước Thành cho biết.
Lễ hội thường diễn ra liên tục trong 3 ngày vào các tháng từ tháng 2 - 4 và 6 – 8 âm lịch, cao điểm vào tháng 2 - 4 âm lịch. Vì thế, theo các diễn viên thì đây là thời điểm vàng của “hát án” vì nhiều nơi cùng diễn ra lễ hội cúng đình. Anh Tuyến cho biết thêm đoàn tuồng của anh có lịch diễn liên tục từ mùng 7-2 âm lịch tại nhiều nơi trong tỉnh như TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh và ngoài tỉnh như Phú Yên, Bình Thuận… Cả gia đình anh đều tham gia hát. “Năm nào cũng vậy đến thời điểm này thì đoàn chúng tôi nhận nhiều lời mời diễn. Vì lễ hội diễn ra cùng thời điểm ở nhiều nơi, nên đoàn luôn thiếu người, mà việc tìm thêm diễn viên trong lúc này rất khó. Thật tình, nghề diễn của chúng tôi thường chỉ đắt sô vào những tháng này trong năm thôi nên chúng tôi tranh thủ cơ hội” – anh Tuyến tâm sự.
Diễn viên Lý Điền Phương chia sẻ: “Đoàn anh tuy có đủ diễn viên nhưng khi đến thời điểm này thường thiếu người. Khi tìm không được người, đoàn thường phải bố trí 1 người đóng 2 hoặc thậm chí 3 vai. Diễn viên hát, diễn thay vai liên tục rất mệt. Vừa xong vai này, bước xuống sân khấu là phải đổi hóa trang, thay trang phục ngay và điều quan trọng là không được hát lộn vai … Tuy vất vả nhưng phải cố gắng, không thể khác được. Chúng tôi tranh thủ chạy sô để tăng thu nhập…”
Chương trình nghệ thuật truyền thống là nét văn hóa đặc sắc được bà con chờ đón trong các lễ hội đình làng. |
Cuộc sống luôn biến động, trong dòng chảy của thời gian, thì lễ hội đình làng là nét văn hóa truyền thống, tồn tại từ bao đời nay, vẫn luôn được giữ gìn và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt, là nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm, đồng thời là nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng về những vụ mùa tươi tốt, bội thu; những chuyến ra khơi “tôm cá đầy khoang” và ước mong về cuộc sống bình yên, hạnh phúc …
Như Thảo