Nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu, nhiều người nghĩ đến những bài thơ tình lãng mạn. Thế nhưng, ít người biết rằng ông còn có những vần thơ nồng nhiệt với cách mạng như: Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông - khúc tráng ca về ngày bầu cử Quốc hội khóa I, năm 1946.
Nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu, nhiều người nghĩ đến những bài thơ tình lãng mạn. Thế nhưng, ít người biết rằng ông còn có những vần thơ nồng nhiệt với cách mạng như: Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông - khúc tráng ca về ngày bầu cử Quốc hội khóa I, năm 1946.
Nhà thơ Xuân Diệu, người “mới nhất trong các nhà thơ mới” với những vần thơ tình đắm say, rạo rực. Cũng như nhiều cây bút trong phong trào Thơ Mới, thơ của ông luôn nhuốm nỗi buồn cố hữu. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã giải tỏa những phiền muộn trong lòng, Xuân Diệu hào hứng hòa mình vào không khí cách mạng. Ngay khi chính quyền về tay nhân dân, thi sĩ Xuân Diệu đã có ngay tráng ca Ngọn quốc kỳ để chào mừng thắng lợi lịch sử của dân tộc. Người thi sĩ từng khẳng định “cái tôi” tuyệt đỉnh: Ta là một, là riêng, là thứ nhất/Không có ai bạn bè nổi cùng ta, nay lại tự nguyện dùng ngòi bút của mình để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng một cách tự nguyện, chân thành và sôi nổi: Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/Tôi chung sống cuộc đời chiến đấu/Của triệu người yêu dấu gian lao (bài thơ Những đêm hành quân). Những ngày tháng đó, nhà thơ đã nguyện làm người loan tin chiến thắng: Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo/Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết/Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay/Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây/Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ/Tất cả vải là một cười thắm đỏ/Tất cả cờ là một tiệc triêu dương!” (Ngọn quốc kỳ).
Cảnh người dân đi bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946 |
Tháng 2-1946, khi cả nước bước vào cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên, Xuân Diệu đã viết tiếp khúc tráng ca Hội nghị non sông với những lời thơ sôi nổi, hào hứng đến lạ kỳ. Với nhà thơ, cuộc bầu cử ấy giống như một hội nghị Diên Hồng lần thứ hai: Qua sáu trăm sáu mươi mốt năm liền/Nước Việt mở ngày Đại hội/Hội dân tộc, hội của sông, của núi/Hội rừng đồng và hội Việt Nam Xuân!. Với Xuân Diệu, thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám và kỳ bầu cử đầu tiên chính là những vết son để người Việt Nam rửa sạch tủi nhục của hơn 80 năm nô lệ: Hội này đây mặt trời dọi với trăng/Cả dân tộc đứng hiên ngang nhật nguyệt/Đất trường cửu ngắm với trời với đất/Nói vô cùng còn mãi nước muôn năm (Hội nghị non sông).
Trong niềm vui mừng của người dân một nước độc lập, niềm vui trước ngày hội lớn, nhà thơ đã reo lên: Tổng tuyển cử. Động binh Tổng tuyển cử/Ngày huy hoàng nghĩ chuyện họp giang sơn. Với nhà thơ, không có vinh dự nào so? Vui sướng nào hơn khi lần đầu tiên người dân Việt được cầm lá phiếu để quyết định tương lai của dân tộc. Nhà thơ đã ghi lại không khí bầu cử vui như hội từ thôn quê tới thành thị: Cổng nhà quê tờ biển dán như tranh/Vách thành thị khoác một làn áo mới. Nhìn lá phiếu bầu cử thiêng liêng, nhà thơ không khỏi bùi ngùi nhớ lại những chặng đường gian khổ đã qua: Lá phiếu ơi lá phiếu thanh tân/Xem giấy trắng có gì mà rất quý báu?/Miếng giấy nhỏ có gan và có máu/Có tháng ngày! sắt lửa! với vàng son/Có trại giam, có ngục tối, có nhà chôn/Có tranh đấu, có biểu tình, khởi nghĩa… Nhà thơ kêu gọi toàn thể cử tri cùng nhau đồng lòng làm nên một hội nghị Diên Hồng của thế kỷ XX, bầu ra Quốc hội khóa I đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân khắp ba miền Bắc - Trung - Nam: Hỡi anh em cả, chúng ta đây/Ăn ở cùng nhau sinh nở đầy/Cùng giữ Việt Nam chung hưởng phước/Nắm tay nhau chặt, hội cùng say; Ai có nghe ai có thấy lời hoa/Với tiếng lá thiết tha dâng Quốc hội.
Đoạn cuối bài thơ là cả một khúc reo vui: Hôm nay cờ đỏ sao vàng/Nghe khúc nhạc tiếng quân ca nóng hổi/Tưởng chúng dân reo như gầm sóng dội/Tưởng dân chúng gọi như gắn vào tai…, cùng lời hiệu triệu giết giặc giữ nền độc lập non trẻ, tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm: Diên Hồng mở với Quốc dân đại hội/Đời nhà Trần, Mông Cổ đánh dồn ra/Giết xâm lăng đòi Dân chủ Cộng hòa.
70 năm đã trôi qua kể từ kỳ bầu cử lịch sử ấy, bây giờ đọc lại Hội nghị non sông của Xuân Diệu có thể thấy những câu thơ ngày ấy đôi chỗ còn chưa được trau chuốt, nhưng không ai phủ nhận được tính tích cực, dấu ấn lịch sử mà nhà thơ đã ghi lại.
Xuân Thành