Năm 2003, ngành Văn hóa đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh về việc bảo tồn nhà cổ để gìn giữ nét văn hóa truyền thống kết hợp với phục vụ du lịch và đã tiến hành khảo sát, thống kê số lượng nhà cổ trên địa bàn tỉnh, đưa ra ý tưởng bảo tồn…
Năm 2003, ngành Văn hóa đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh về việc bảo tồn nhà cổ để gìn giữ nét văn hóa truyền thống kết hợp với phục vụ du lịch và đã tiến hành khảo sát, thống kê số lượng nhà cổ trên địa bàn tỉnh, đưa ra ý tưởng bảo tồn… Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ, việc bảo tồn nhà cổ gần như trôi vào quên lãng, không ít nhà đã mất đi theo thời gian.
Năm 2003, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - Thông tin kiểm kê số lượng nhà cổ trên địa bàn tỉnh. Ở thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh còn 83 ngôi nhà cổ. So với nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, nhà cổ của Khánh Hòa có tuổi đời non trẻ hơn (ngôi nhà cổ nhất khoảng 200 năm) tuy nhiên vẫn có những giá trị riêng về mặt kiến trúc. Chính vì vậy, năm 2004, UBND tỉnh đã họp bàn, đưa ra ý tưởng mua 8 - 10 nhà cổ tiêu biểu trong tỉnh về dựng ở Hòn Chồng, nhưng rồi ý tưởng này đã không được thực hiện. Năm 2005, khi thực hiện Hội quán vịnh Nha Trang (tại Hòn Chồng), những người thực hiện dự án đã không dùng nhà cổ của Khánh Hòa, thay vào đó đã mua 15 căn nhà cổ của xứ Huế để ghép lại thành 3 căn nhà cổ lớn phục vụ khách du lịch tham quan và làm nơi tổ chức các cuộc giao lưu về văn hóa.
Du khách tham quan nhà cổ ông Nguyễn Xuân Hải ở xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang |
Đến năm 2008, số lượng nhà cổ của Khánh Hòa chỉ còn hơn 50 căn, bởi một số nhà hư hỏng đã bị tháo dỡ, một số nhà đã được gia chủ bán cho những người buôn nhà cổ. Thời điểm ấy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo: Sở Văn hóa - Thông tin gấp rút khảo sát, chụp ảnh các ngôi nhà cổ cần bảo tồn và làm dự toán về kinh phí để lãnh đạo tỉnh xem xét; lập đề án bảo tồn nhà cổ gắn với làng nghề để tái hiện cuộc sống của người dân xưa; Sở Văn hóa - Thông tin và Sở Du lịch - Thương mại khảo sát những ngôi nhà cổ đang phục vụ du lịch, tìm hiểu nguyện vọng của các gia đình để UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ về kinh phí.
Theo ông Hoàng Quý - Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh, khi ấy ngành Văn hóa đã đề nghị UBND tỉnh mua lại 23 ngôi nhà cổ mà gia chủ đồng ý bán để “phục chế” một ngôi làng Việt cổ ở xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) hoặc ở ngoại thành Nha Trang để phục vụ bảo tồn và du lịch. Ngôi làng này sẽ có các hộ gia đình sinh sống với những nếp sinh hoạt xưa như: trồng lúa, trồng rau, làm bánh, dệt chiếu, rèn, đúc. Thế nhưng, không hiểu vì sao sau này không ai nhắc đến ý tưởng này nữa.
Đến nay, sau khoảng 13 năm, khi vấn đề bảo tồn nhà cổ được ngành Văn hóa xới lên vẫn chưa có một cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ các gia đình sở hữu, kể cả những ngôi nhà cổ có giá trị lớn được khách du lịch biết đến. “Nhà cổ của gia đình tôi đưa vào phục vụ du lịch được 17 năm (có thu phí). Cơ quan chức năng đã nhiều lần đến kiểm tra, khảo sát nhưng vẫn không hề có sự hỗ trợ nào”, ông Nguyễn Xuân Hải (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) nói. Nhiều gia đình có nhà cổ ở Diên Khánh mà người viết có dịp tiếp xúc cũng rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về việc bảo tồn.
Mới đây, làm việc với lãnh đạo huyện Diên Khánh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý huyện cần tận dụng địa thế nằm cạnh TP. Nha Trang để phát triển lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Thực tế cho thấy, các xã ngoại thành Nha Trang cùng với Diên Khánh có thể phát triển loại hình du lịch nhà vườn, du lịch đồng quê, nhưng muốn vậy phải bảo tồn được những ngôi nhà cổ. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Trung cho rằng: “Việc Nhà nước bỏ kinh phí ra để lập một dự án bảo tồn nhà cổ là điều khó khả thi, bởi đằng sau chuyện bảo tồn còn là việc quản lý, phát huy giá trị của nó; sẽ phù hợp hơn nếu có doanh nghiệp làm dự án với hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước”. Tuy nhiên, ông Trung lưu ý, trong việc bảo tồn nhà cổ nói riêng và bảo tồn các di sản văn hóa nói chung tốt nhất là bảo tồn tại chỗ. Trước mắt, ngành Văn hóa - Du lịch nên đặt vấn đề các doanh nghiệp lữ hành hỗ trợ gia đình có nhà cổ phục vụ du lịch như gia đình ông Nguyễn Xuân Hải ở xã Vĩnh Thạnh. Về lâu dài, cần phải xếp hạng các nhà cổ, để từ đó có chính sách hỗ trợ về bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
XUÂN THÀNH