07:04, 09/04/2016

Quy hoạch khảo cổ Khánh Hòa: Đi sớm về muộn?

Khánh Hòa là tỉnh tiên phong trong việc lập quy hoạch khảo cổ. Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa trình đề án Quy hoạch khảo cổ học Khánh Hòa, giai đoạn 2013 - 2020 để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt… Tuy nhiên, dự án này đã "treo" từ đó đến nay.

Khánh Hòa là tỉnh tiên phong trong việc lập quy hoạch khảo cổ. Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa trình đề án Quy hoạch khảo cổ học Khánh Hòa, giai đoạn 2013 - 2020 để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phê duyệt… Tuy nhiên, dự án này đã “treo” từ đó đến nay.


Đi đầu trong việc xây dựng quy hoạch khảo cổ


Năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi bổ sung) bổ sung quy định các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ (có thể hiểu như bản đồ đánh dấu các điểm khảo cổ và phương án bảo tồn, phát huy giá trị). Tháng 5-2010, UBND tỉnh đã đồng ý cấp 740 triệu đồng cho Sở VH-TT-DL (chủ đầu tư) triển khai dự án Quy hoạch khảo cổ học tỉnh, Bảo tàng tỉnh là đơn vị trực tiếp thực hiện.

 

Khai quật khảo cổ ở di chỉ Hòa Diêm (Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh)
Khai quật khảo cổ ở di chỉ Hòa Diêm (Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh)


Thực hiện kế hoạch trên, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học đi điền dã, thu thập thông tin, tư liệu để lập quy hoạch khảo cổ học của tỉnh. Theo ông Nguyễn Tâm - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, ở thời điểm ấy toàn tỉnh có 59 địa điểm có di chỉ khảo cổ và có dấu hiệu di chỉ khảo cổ, trong đó một vài di chỉ còn nguyên, nhưng cũng có điểm đã bị tác động bởi con người nên chỉ còn là phế tích. “Khi xây dựng đề án quy hoạch, ngoài việc đánh dấu các điểm khảo cổ, chúng tôi đã đề xuất cụ thể phương án bảo vệ, phát huy giá trị di chỉ, ngoài ra còn có kế hoạch sơ bộ cho từng năm...”, ông Nguyễn Tâm nói.


Tại hội nghị khảo cổ học năm 2011, PGS-TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) đã vui mừng báo tin: Khánh Hòa sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành quy hoạch khảo cổ. Ngay sau đó, các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đà Nẵng… đã liên hệ xin tài liệu, trao đổi kinh nghiệm với Khánh Hòa về làm quy hoạch khảo cổ.


Đầu năm 2013, UBND tỉnh trình đề án Quy hoạch khảo cổ học Khánh Hòa, giai đoạn 2013 - 2020 để xin ý kiến của Bộ VH-TT-DL. Sau khi nghiên cứu, Bộ VH-TT-DL cơ bản thống nhất với nội dung đề án, tuy nhiên bộ yêu cầu bổ sung một số vấn đề về cơ sở pháp lý, phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích. UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Bảo tàng tỉnh bổ sung những nội dung còn thiếu theo ý kiến của Bộ VH-TT-DL. Tuy nhiên, vì nhiều vướng mắc nên Bảo tàng tỉnh đã không thể thực hiện được, vì thế đề án quy hoạch khảo cổ bị “treo” từ đó đến nay.


Yêu cầu điều chỉnh không hợp lý?


Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, trong các yêu cầu bổ sung, Bộ VH-TT-DL yêu cầu phải tiến hành cắm mốc, giải tỏa vi phạm ở các di tích, di chỉ đã biết; tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ để có thêm tư liệu phục vụ nghiên cứu, trưng bày cũng như tiến đến lập hồ sơ xếp hạng di tích khảo cổ. Theo ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đây là yêu cầu khá cứng nhắc, bởi rất nhiều di chỉ khảo cổ nằm trong vườn nhà dân, không thể muốn là cắm mốc; những điểm nằm ở khu vực rừng núi cũng không cần thiết phải cắm mốc. Việc khai quật các di chỉ khảo cổ cũng phải cân nhắc bởi kinh phí rất lớn, trước mắt chỉ nên làm những điểm thực sự cần thiết.  


Ông Nguyễn Tâm chia sẻ: “Nếu tái khởi động lại đề án quy hoạch khảo cổ, ngoài các văn bản pháp lý, chỉ bổ sung thêm thông tin về các điểm khảo cổ… chứ không thể thực hiện được yêu cầu của bộ là phải cắm mốc, khoanh vùng tất cả các điểm di tích. Không chỉ riêng Khánh Hòa, hiện nay, nhiều tỉnh khác cũng đang gặp khó vì yêu cầu này”. Ngoài ra, theo ông Tâm, hai bên cũng chưa thống nhất về cách ứng xử với di chỉ khảo cổ Hòa Diêm (Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh). Trong khi tỉnh đề nghị xây dựng nhà trưng bày tại chỗ để phục vụ nghiên cứu, tham quan du lịch thì bộ lại khuyến cáo nên cân nhắc.  


Khi làm đề án quy hoạch khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã lấy kết quả khảo sát khảo cổ học Trường Sa năm 1994 để xây dựng quy hoạch. Bộ VH-TT-DL yêu cầu tỉnh tiếp tục nghiên cứu khảo sát, thăm dò khảo cổ học ở Trường Sa để có phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích biển, đảo. Năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với tỉnh thực hiện chương trình nghiên cứu, xuất bản và trưng bày các di tích, di vật khảo cổ học tại quần đảo Trường Sa. Nhóm lập quy hoạch khảo cổ sẽ bổ sung thêm những thông tin này vào bản quy hoạch sắp tới. Còn việc tổ chức riêng một cuộc điều tra thám sát khảo cổ tại Trường Sa sẽ rất phức tạp về thủ tục pháp lý, cũng như tốn kém kinh phí.


Việc Khánh Hòa đi tiên phong trong cả nước về lập quy hoạch khảo cổ chứng tỏ lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững. Vì thế, việc đề án quy hoạch khảo cổ của Khánh Hòa chậm hơn dự kiến là điều đáng tiếc. Thiết nghĩ, Sở VH-TT-DL nên chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tìm cách tháo gỡ vướng mắc nói trên để quy hoạch sớm được phê duyệt, nhằm giúp tránh những chồng chéo, xung đột giữa xây dựng các công trình mới với giá trị, lợi ích của công tác bảo tồn di tích khảo cổ nằm sâu dưới tầng đất.  


XUÂN THÀNH