Thanh Tùng - nhạc sĩ tài hoa của âm nhạc Việt Nam đã qua đời sáng 15-3 tại Hà Nội ở tuổi 68. Tác giả của tình khúc "Trái tim không ngủ yên" sinh ra ở Nha Trang và có nhiều ca khúc viết về biển.
Thanh Tùng - nhạc sĩ tài hoa của âm nhạc Việt Nam đã qua đời sáng 15-3 tại Hà Nội ở tuổi 68. Tác giả của tình khúc “Trái tim không ngủ yên” sinh ra ở Nha Trang và có nhiều ca khúc viết về biển.
Người nhạc sĩ của những tình khúc nổi tiếng
Nhạc sĩ Thanh Tùng là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng, được công chúng mến mộ như: Một mình, Hoa tím ngoài sân, Mưa ngâu, Vĩnh biệt mùa hè, Trái tim không ngủ yên, Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Lối cũ ta về, Giọt nắng bên thềm, Lời tỏ tình của mùa xuân, Giọt sương trên mí mắt, Em và tôi, Chuyện tình của biển, Phố biển… Trong đó, ca khúc Một mình được xem là tuyệt phẩm trong số các sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ. Gắn với tiếng hát của nữ ca sĩ Mỹ Linh, Một mình thấm đẫm nỗi buồn ly biệt, được Thanh Tùng viết tại Hà Nội chỉ trong một đêm trong nỗi nhớ người vợ đã khuất.
Nhạc sĩ Thanh Tùng tên đầy đủ Nguyễn Thanh Tùng, sinh ngày 15-9-1948 tại Nha Trang. Năm 6 tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Sau đó, ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp năm 23 tuổi. Từ năm 1971 đến 1975, ông là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau năm 1975, ông về sống tại TP. Hồ Chí Minh và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen.
Năm 1975, Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” cho một vở cải lương. Từ năm 1987, ông trở nên nổi tiếng với nhiều sáng tác mang màu sắc riêng cho nhạc Việt đương đại. Không chỉ là tác giả của những ca khúc lãng mạn về tình yêu đôi lứa, ông còn nổi tiếng với nhiều ca khúc viết về tình yêu quê hương đất nước và cả những ca khúc dành cho lứa tuổi mới lớn.
Tình yêu âm nhạc và tính cách nghệ sĩ đậm đặc, lúc nào nhạc sĩ Thanh Tùng cũng giữ phong thái lịch lãm, hào hoa. Trong giới nhạc, ông được ghi nhận là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như: Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh...
Mãi mãi một tình yêu
NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương bảo, Thanh Tùng may mắn nhưng cũng bất hạnh hơn người ở chỗ ông có người vợ tuyệt vời cả về nhan sắc và nhân cách, nhưng bà ra đi rất sớm, từ những năm đầu thập niên 1990, sau 18 năm sánh bước bên ông. Thanh Tùng thường gửi nỗi yêu thương, sự cô đơn, mất mát trong những bài hát như cách trải lòng cùng người vợ đang ở trên thiên đàng. Năm 1998, ông viết Một mình; năm 2007, ông viết Hoa cúc vàng đều là dành tặng cho mẹ của 3 đứa con mình.
Vợ mất, Thanh Tùng một mình nuôi 3 con trưởng thành. Khi được hỏi về ước nguyện, Thanh Tùng chọn sự thành đạt của con cái thay vì sức khỏe của mình. Thanh Tùng từng chia sẻ, ông không khuyến khích con cái theo nghề của bố vì đó là nghề rất khổ và khắc nghiệt. Rất may, cả ba con của ông đều yêu nghệ thuật, trân trọng bạn bè của bố nhưng chọn đi những con đường khác.
Nhiều tờ báo, khán giả gọi Thanh Tùng là người bố vĩ đại vì một mình nuôi 3 con thành tài. Khi được hỏi ông có nghĩ mình đúng như người ta nói hay không, ông cười sảng khoái: “Đúng”. Là nghệ sĩ nhưng chưa khi nào Thanh Tùng để sự bay bổng của mình lên trên trách nhiệm với các con. Đó cũng là cách để ông tiếp tục thể hiện tình yêu với vợ.
Từ nhiều năm nay, công chúng yêu nhạc đều biết nhạc sĩ Thanh Tùng đã phải ngồi xe lăn sau cơn tai biến. Dẫu vậy, khi sức khỏe chưa suy yếu hẳn, thi thoảng ông và bạn bè vẫn tổ chức 1 - 2 đêm nhạc để tái ngộ khán giả.
Sau 8 năm chống chọi với bệnh tật, sáng 15-3, nhạc sĩ Thanh Tùng đã ra đi ở tuổi 68. Không chỉ là một mất mát to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, sự ra đi bất ngờ của ông còn để lại nhiều tiếc nuối trong lòng khán giả. Ca sĩ Mỹ Dung - người học trò nhỏ của Thanh Tùng - nghẹn ngào: “Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột. Tôi nghe mà đau xót vô cùng. Tôi cũng ân hận vì thiếu sót của mình. Mấy năm qua, vì bận chuyện gia đình, tôi không có thời gian thường xuyên thăm hỏi thầy. Dù thầy bị bệnh đã 8 năm trời, cơ thể yếu, nhiều lần phải ngồi xe lăn lên sân khấu nhưng không ai ngờ thầy lại ra đi như vậy”. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn dành sự ưu ái cho Mỹ Dung. Một trong những sáng tác cuối cùng của ông là Hoa cúc vàng cũng được ông tin tưởng giao cho giọng ca Sao Mai điểm hẹn.
P.V (Tổng hợp)