Ít người biết, anh Nguyễn Phương Đông - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh từng là nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu tài hoa, cũng là một trong những người đầu tiên biểu diễn đàn đá Khánh Sơn. Anh còn là người làm công trình Thạch thủy cầm (đàn đá nước) ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh).
Ít người biết, anh Nguyễn Phương Đông - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh từng là nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu tài hoa, cũng là một trong những người đầu tiên biểu diễn đàn đá Khánh Sơn. Anh còn là người làm công trình Thạch thủy cầm (đàn đá nước) ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh).
Từ đàn bầu...
Quen anh Nguyễn Phương Đông từ lâu, nhưng tôi chỉ biết trước đây anh từng công tác ở Đoàn Ca múa nhạc (CMN) dân tộc Ponagar. Mãi gần đây, trong một lần chuyện trò, có người mới “bật mí” anh Đông là một chuyên gia về nhạc cụ dân tộc. Và anh đã chia sẻ với tôi về trải nghiệm nghệ thuật của mình.
Nghệ sĩ Nguyễn Phương Đông (bên trái) đại diện cho Trung tâm Văn hóa tỉnh nhận cờ đơn vị dẫn đầu thi đua năm 2015 |
Năm 1979, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp nhạc cụ (chuyên ngành đàn bầu), anh về đầu quân cho Đoàn CMN Phú Khánh, rồi đi biểu diễn phục vụ ở Stung Treng, Campuchia. Vốn yêu thích nhạc cụ dân tộc, ngoài đàn bầu, anh còn tập chơi thêm sáo, đàn nguyệt khá tốt. Sự đa năng của anh đã giúp ích khá nhiều mỗi khi dàn nhạc thiếu người.
Cuối thập niên 80, khi Đoàn CMN dân tộc Ponagar được thành lập, anh được điều về làm Phó đoàn phụ trách nghệ thuật. Đam mê với nghề, tuy bận rộn với công tác quản lý nhưng thỉnh thoảng anh vẫn đứng trên sân khấu biểu diễn. Không chỉ thế, anh Đông biết làm nhạc cụ dân tộc như đàn T’rưng, sáo Tây Nguyên, Đing Năm (người Raglai gọi là Ku puốt)… “Năm 1998, Sở Văn hóa cử một đoàn đi biểu diễn giao lưu ở Nhật, tôi đã chọn sáo của đồng bào Raglai để biểu diễn. Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về cách chế tạo nhạc cụ tre nứa rồi bắt đầu làm ra sáo, đàn T’rưng…”, anh nói.
... Đến duyên nợ với đàn đá
Năm 1979, nhạc sĩ Kpa Y Lăng tìm ra đàn đá Khánh Sơn và anh Đông là một trong những người đầu tiên được biểu diễn đàn đá. Anh Đông cho biết: “Khi đàn đá Khánh Sơn được đưa về Nha Trang, tôi và nghệ sĩ Hải Đường (2 người học chính quy trường nhạc) được giao tập đàn đá để biểu diễn phục vụ hội nghị công bố phát hiện ra đàn đá Khánh Sơn ở Nha Trang. Hôm đó, tôi biểu diễn tiết mục độc tấu “Chim ơi đừng phá rẫy” mở màn cho hội nghị, sau đó các nghệ sĩ: Hải Đường, Đỗ Lộc… tiếp tục biểu diễn các tiết mục khác để phô diễn sự đa dạng của âm thanh đàn đá”. Sau hội nghị này, Đoàn CMN Phú Khánh đã mang đàn đá đi biểu diễn phục vụ công chúng trong toàn tỉnh. Đi đến đâu, tiết mục độc tấu đàn đá, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cũng được người dân yêu thích. “Hồi ấy, việc tìm ra đàn đá Khánh Sơn là một sự kiện được giới nghiên cứu âm nhạc rất quan tâm. Đàn đá được xem như báu vật nên khi mang đi biểu diễn phải rất cẩn trọng trong việc bưng bê, anh Đông nhớ lại.
Một bộ đàn đá do nghệ sĩ Nguyễn Phương Đông chế tác đang được trưng bày ở Hội quán vịnh Nha Trang (Hòn Chồng) |
Sau đó, đàn đá Khánh Sơn được Viện Nghiên cứu âm nhạc mang đi nghiên cứu và mất tăm tích từ đó. “Khi về công tác ở Đoàn CMN dân tộc Ponagar, tôi nghĩ đoàn CMN dân tộc mà không có đàn đá là một thiếu sót. Khoảng năm 1991, tôi đã lên Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuê đồng bào đi tìm các thanh đá kêu về làm đàn đá. Phải rất vất vả mới có thể kiếm đủ các thanh đá về để xếp thành đàn đá, nhưng tôi nhận thấy đàn đá theo kiểu này không đẹp về hình thức (các thanh đá không đều nhau), âm sắc cũng chưa thật chuẩn. Thế nên sau đó, khi có những đơn vị nhờ làm, tôi đã bắt tay vào làm đàn đá với việc đẽo gọt các thanh đá sao cho thật đẹp, chỉnh độ dày mỏng của các thanh đá để cho ra âm thanh chuẩn”. Tiếng lành đồn xa, từ đó đến nay, anh Đông đã làm hơn 50 bộ đàn đá cho nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước, trong đó nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Bộ đàn đá trưng bày ở Bảo tàng tỉnh hiện nay là do anh Đông làm ra (bảo tàng còn 2 bộ đàn đá tự nhiên nhưng không trưng bày).
Đặc biệt, anh chính là người làm công trình Thạch thủy cầm ở Công viên Văn hóa Đầm Sen, TP. Hồ Chí Minh. “Năm 2001, tôi đề xuất với lãnh đạo Công viên Văn hóa Đầm Sen về việc làm Thạch thủy cầm. Thạch thủy cầm được chế tạo dựa theo mô hình của đồng bào Raglai, dùng đá treo giàn để xua đuổi muông thú, kết hợp nguyên lý chuyển động của cối gạo nương của người Tày, guồng xe nước người Mường… Khi guồng xe nước quay sẽ tác động đến dàn búa gõ và bản nhạc được tấu lên một cách tự nhiên”, anh cho biết. Theo anh, Thạch thủy cầm ở Công viên Văn hóa Đầm Sen có thể gõ được 2 bản nhạc: Nối vòng tay lớn và Trái đất này là của chúng mình. “Hiện nay, nếu làm lại Thạch thủy cầm, tôi có thể cho đàn chơi được những bản nhạc phức tạp hơn nhiều, kể cả những bản nhạc cổ điển như Sonate Ánh trăng của Beethoven”, anh Đông nói.
Anh Đông cũng bày tỏ dự định khi nghỉ hưu sẽ mở một cửa hàng trưng bày và bán nhạc cụ dân tộc, trong đó chủ đạo là các nhạc cụ tre nứa do chính anh chế tác. Đặc biệt, anh rất mong muốn được thực hiện một công trình Thạch thủy cầm ở Khánh Hòa để phục vụ công chúng, cũng là một cách gián tiếp giới thiệu về đàn đá Khánh Sơn.
XUÂN THÀNH