Cách đây 15 năm, nhiều họa sĩ ở Nha Trang đã mở các gallery mỹ thuật để bán tranh cho khách du lịch. Thế nhưng, đến nay, các gallery mỹ thuật rơi rụng gần hết, số trụ lại cũng khó khăn bởi khách mua tranh ngày càng ít.
Cách đây 15 năm, nhiều họa sĩ ở Nha Trang đã mở các gallery mỹ thuật để bán tranh cho khách du lịch. Thế nhưng, đến nay, các gallery mỹ thuật rơi rụng gần hết, số trụ lại cũng khó khăn bởi khách mua tranh ngày càng ít.
Mới đây, họa sĩ Bùi Văn Quang đã đóng cửa gallery Rainbow (cầu vồng) ở đường Trần Quang Khải - phòng tranh có tuổi đời thuộc hàng lâu năm nhất ở thành phố biển. Qua tìm hiểu, lý do họa sĩ Bùi Văn Quang đóng cửa phòng tranh khá tên tuổi này là bởi thời gian gần đây, việc bán tranh rất khó khăn, trong khi giá mặt bằng ngày càng cao. Có thể nói, việc phòng tranh Rainbow đóng cửa là dấu hiệu rõ ràng nhất cho sự ảm đạm của đời sống mỹ thuật hiện nay.
Phòng tranh của họa sĩ trẻ Lê Toản vắng khách |
Cách đây khoảng 20 năm, khi đất nước vừa mở cửa, khách du lịch quốc tế rất quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam. Thời điểm đó, nhiều họa sĩ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế… đã mở gallery và bán được rất nhiều tranh cho các nhà sưu tập quốc tế, khách du lịch. Thập niên 90, Việt Nam có lứa họa sĩ trẻ tài năng như: Nguyễn Tấn Cương, Trần Văn Thảo, Bùi Hữu Hùng, Hứa Thanh Bình, Lê Thánh Thư, Thành Chương, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thanh Sơn... Họ đã cùng các thế hệ đi trước như: Nguyễn Lâm, Trịnh Cung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung... tạo ra một thị trường tranh Việt sôi động, phong phú, đầy màu sắc, thu hút đông đảo các nhà sưu tập nước ngoài mua tranh, tạo được uy tín với bạn bè quốc tế. Theo xu hướng chung, một số họa sĩ có tên tuổi ở Khánh Hòa cũng mở các phòng tranh để làm nơi giao lưu, bán tranh, đơn cử như anh em họa sĩ Lê Trí - Lê Văn Duy có phòng tranh Brothers (sau này Lê Duy mở phòng tranh Trầm Hương), Bùi Văn Quang có Rainbow… Khoảng những năm 2000, các phòng tranh này đã thu hút khá nhiều khách du lịch quốc tế đến xem và mua tranh. Cũng từ việc mở phòng tranh, các họa sĩ: Bùi Văn Quang, Lê Trí, Lê Duy… đã có những sự kết nối với họa sĩ quốc tế và được mời đi triển lãm ở Hồng Kông, Anh, Đức, Pháp, Mỹ.
Tuy nhiên, khoảng sau năm 2005, việc bán tranh của các họa sĩ không còn thuận lợi như trước, bởi tranh Việt đã mất đi tính lạ với khách quốc tế. Tiếp sau đó, sự khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc mua tranh. Theo họa sĩ Bùi Văn Quang, trước thời điểm 2008, khách mua tranh ở phòng tranh của anh khá nhiều, nhưng sau đó ít hẳn. Vài năm trở lại đây, khi khách Nga, khách Trung Quốc đến Nha Trang ngày càng nhiều thì việc bán tranh càng khó khăn hơn. “Giá thuê mặt bằng tăng rất cao, trong khi khách Nga, Trung Quốc không mấy quan tâm đến mỹ thuật; mặt khác, những khách quốc tế truyền thống ở các nước Tây Âu, Mỹ, Úc bị sụt giảm nên việc bán tranh rất khó khăn. Việc ký gửi bán tranh ở các khách sạn cũng không còn hiệu quả như trước”, họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết. Để chứng thực lời họa sĩ Trần Hà, người viết đã đến phòng tranh của họa sĩ trẻ Lê Toản trên đường Nguyễn Thiện Thuật và trong suốt một buổi chiều không hề có khách nào ghé vào, trong khi khách du lịch đi lại nườm nượp. “Khoảng 5 năm qua, giá mặt bằng ở khu vực này đã tăng hơn 2 lần, trong khi giá tranh không tăng là bao, số lượng bán ra cũng ngày càng ít”, họa sĩ Lê Toản nói.
Theo họa sĩ Lê Văn Duy, hiện nay các họa sĩ ở Khánh Hòa không còn mặn mà với việc ký gửi tranh ở các khách sạn, mở gallery vì không hiệu quả. Các họa sĩ có tên tuổi chủ yếu bán tranh theo mối khách quen từ trước cho những người buôn tranh, các nhà sưu tập ở nước ngoài, tuy nhiên số này không nhiều. Việc bán tranh ế ẩm là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các họa sĩ không mặn mà với việc tổ chức triển lãm cá nhân. Bởi có bán được tranh thì mới có tiền tổ chức triển lãm và việc triển lãm ngoài mục đích khẳng định mình, nhiều người cũng mong bán được tác phẩm để bù đắp lại chi phí.
Theo họa sĩ Trần Hà, tình hình khó khăn của mỹ thuật là tình hình chung của cả nước, và tình trạng này chắc còn kéo dài. Việc thị trường tranh rơi vào cảnh “chợ chiều”, các gallery đóng cửa sẽ ảnh hưởng lớn đến phong trào mỹ thuật của xứ Trầm Hương. “Các họa sĩ trẻ rất cần các triển lãm, gallery để “tiến cử” mình. Việc các gallery đóng cửa coi như các họa sĩ trẻ chưa tạo dựng được tên tuổi đã bị mất một lối ra”, họa sĩ Trần Hà nhìn nhận.
XUÂN THÀNH