Những vật dụng cũ kỹ, hư hỏng của một thời xưa cũ như: xe đạp, ti vi trắng đen, bàn ủi con gà… được người chơi nâng niu. Giữa dòng chảy xô bồ của đời sống hiện đại, những đồ "đồng nát" ấy gợi ký ức về một thời gian khó.
Những vật dụng cũ kỹ, hư hỏng của một thời xưa cũ như: xe đạp, ti vi trắng đen, bàn ủi con gà… được người chơi nâng niu. Giữa dòng chảy xô bồ của đời sống hiện đại, những đồ “đồng nát” ấy gợi ký ức về một thời gian khó.
Ở Nha Trang, Lê Quang Lâm (Ngọc Hiệp) được biết đến như một người chuyên sưu tập đồ cũ. Trong khi bạn bè cùng giới vẫn thường chú trọng sưu tập đồ gốm sứ, đồ đồng, anh Lâm lại chuyên về đồ “đồng nát” như: xe đạp, máy chữ, phích nước, radio, đồng hồ… Căn nhà anh Lâm ở Ngọc Hiệp có rất nhiều đồ cũ có tuổi đời vài chục năm, trong đó có những vật vẫn còn sử dụng được. Ở cuộc trưng bày mới đây về đồ xưa, anh đem đến một chiếc xe đạp Peugoet còn nguyên phụ tùng, cùng chiếc phích nước có vỏ bằng ống nhôm đựng pháo sáng, trên có khắc dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Bác Hồ sống mãi” cùng bức tranh nhà sàn của Bác được chạm khắc rất khéo léo. Những đồ vật ấy tuy giá trị không thật lớn nhưng được nhiều người quan tâm. “Với những người trẻ, chiếc phích nước ấy chỉ là một món đồ cũ, nhưng với thế hệ chúng tôi, nó gợi nên những ký ức về những năm tháng thời chiến tranh gian khổ, với nhiều vật dụng được làm từ vỏ bom đạn…”, ông Nguyễn Văn Hùng (phường Tân Lập, Nha Trang) chia sẻ.
Nhiều người thích thú khi được nhìn ngắm chiếc xe đạp cũ |
Vốn là thợ điện, anh Lâm hay sưu tầm các đồ nghề, vật dụng để phục vụ cho nghề nghiệp rồi dần dà bén duyên với những đồ cũ từ lúc nào không hay. Cứ có thời gian là anh lại về các làng quê, các khu tập thể, vựa phế liệu để tìm đồ cũ; khi đi làm xa, anh cũng tranh thủ sưu tầm. Và anh đã tìm được không ít đồ quý từ những chuyến đi như thế. Đơn cử, chiếc phích nước bằng ống đựng pháo sáng anh tìm thấy ở Đà Nẵng, chiếc xe đạp Peugeot của một gia đình người Ninh Hòa tập kết ra Bắc trở về… “Tôi sưu tập từ xe đạp, ti vi đen trắng, quạt tai voi… đến sách, báo cũ. Nhiều người biết tôi chuyên sưu tầm đồ cũ nên tặng luôn chứ không bán. Có người mở quán cà phê cần đồ trang trí cũng tìm đến tôi hỏi mua”, anh Lâm tâm sự.
Những năm gần đây, khi đời sống ngày càng nâng cao, một số người đã âm thầm sưu tập đồ cũ như muốn lưu lại ký ức một thời. Hiện ở Nha Trang, một số quán cà phê đã sử dụng đồ cũ để trang trí, trong đó quán được nhiều người biết đến nhất là quán An (đường Lê Đại Hành). Đến quán An, khách dễ dàng bắt gặp những vật trang trí nhuốm màu thời gian. Từ chiếc xe cũ dựng hờ bên khung cửa, chiếc radio, quạt điện, bàn ủi con gà, điện thoại bàn, chiếc đầu băng cối xưa, dàn ampli đèn và loa… được đặt trên các kệ gỗ gợi nhớ đến thời đã qua. Khách đến đây như tìm thấy lại những ngày xưa cũ. Bà Nguyễn Thu Huệ (Phương Sài, TP. Nha Trang) cho biết: “Ngày trước, tôi làm nghề thợ may nên cứ đến đây ngắm nhìn chiếc bàn ủi con gà là lại nhớ những năm tháng từng gò lưng đạp máy may, ủi đồ bằng than”.
Một số đồ cũ được trưng bày ở phiên chợ đồ xưa tổ chức tại Bảo tàng tỉnh dịp Tết Bính Thân |
Những vật dụng cũ kỹ ấy không có nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ hay giá trị sử dụng, nhưng lại chứa đựng rất nhiều về giá trị tinh thần. “Thời bao cấp, làng tôi chỉ có mỗi cái ti vi đen trắng, chưa có điện nên phải dùng bình ắc quy. Mỗi tháng đi xem, mỗi người phải nộp 500 đồng cho chủ nhà… Mỗi khi nhìn thấy chiếc ti vi, tôi lại nhớ những năm tháng tuổi thơ của mình”, anh Phạm Quang Thắng, một khách uống cà phê ở quán An bày tỏ.
Theo nhà sưu tập Mang Tấn Phong (Nha Trang), sưu tầm đồ cổ, đồ xưa có nhiều dạng. Có những đồ vật không đẹp nếu so với thời trước hoặc sau đó nhưng vẫn được chú ý sưu tầm vì nó là chứng tích của một thời, qua đồ vật người ta có thể hình dung được sự thịnh hay suy của nền kinh tế, sự phát triển cũa kỹ thuật chế tác, đời sống của người dân… Việc có nhiều người chơi đồ cũ cũng là một điều bình thường trong cuộc sống, bởi con người vốn dĩ có tinh thần hoài niệm về những thời đã qua.
XUÂN THÀNH