Nấm linh chi được biết đến như một loại dược liệu quý hiếm. Thế nhưng, mấy ai ngờ, vẻ đẹp tự nhiên từ màu sắc cũng như hình dáng của nấm lại có thể trở thành hoa cảnh…
Nấm linh chi được biết đến như một loại dược liệu quý hiếm. Thế nhưng, mấy ai ngờ, vẻ đẹp tự nhiên từ màu sắc cũng như hình dáng của nấm lại có thể trở thành hoa cảnh…
Có lần, đến nhà người bạn, tôi như bị hút hồn bởi một chậu cây cảnh rất lạ. Cây hoa chủ đạo đỏ rực nổi bật giữa những hòn cảnh và thảm lá xanh rì. Phía dưới chân, cái mầm y hệt như cặp sừng hươu mới nhú, mịn màng, phập phồng với một cái thế rất độc. Tò mò hỏi mới biết đó là sản phẩm của chị Nguyễn Thị Hồng Mai, giảng viên chuyên ngành về nấm của Viện Công nghệ sinh học và môi trường (Trường Đại học Nha Trang), và là chủ cơ sở nuôi trồng và cung ứng nấm ở thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang.
Một chậu cây cảnh từ nấm linh chi |
Chị Mai chia sẻ, ban đầu chị trồng nấm nhằm tạo mô hình phục vụ cho việc giảng dạy, và linh chi cũng được trồng nhằm mục đích ấy. “Sau một thời gian, tôi chợt nảy ra ý tưởng dùng nấm linh chi để làm hoa vì thấy có nhiều cây nấm có hình dáng, thế, màu sắc, đường vân đẹp, nếu phối hợp với các tiểu cảnh sẽ rất bắt mắt. Tuy chỉ làm chơi nhưng thấy có thị trường nên tôi đầu tư”, chị Mai nói.
Được biết, nấm linh chi được trồng ở Việt Nam có hoạt tính không hề kém cạnh với những loại nấm của Hàn Quốc, Nhật Bản. Rất nhiều người quan niệm rằng phải là nấm linh chi ngàn năm hoặc chí ít phải có nguồn gốc từ xứ ôn đới thì mới chất lượng. Kỳ thực, những cây nấm linh chi nhỏ bé ở Việt Nam, chỉ trồng được 4 tháng tuổi có hoạt tính chẳng thua gì các loại nấm ở xứ ôn đới. Cũng theo chị Mai, có 4 loại nấm linh chi có thể làm cây cảnh. Đó là Hắc linh chi với màu đen tuyền, Xích linh chi với màu đỏ sậm (trong đó có loại nấm linh chi lim xanh - Quảng Nam đang rất được ưa chuộng), Hoàng linh chi với màu vàng thơ mộng chuyên sống ở Đà Lạt và Vân linh chi với những đường vân mạnh mẽ. Tuy nhiên, để một chậu cây cảnh đạt yêu cầu thì nhất thiết phải có một cây nấm tạo thế, tức là nấm có hình sừng hươu, tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng.
Tìm đến kiến trúc sư Nguyễn Minh Duyên Vũ, Giám đốc Công ty Xây dựng Kiến Vũ, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được tận mắt chiêm ngưỡng lô tiểu cảnh nấm linh chi rất ấn tượng của anh. “Công việc xây dựng nhiều khi rất khô khan nên đôi khi tôi tự phối những chậu cây cảnh này như là một cách giải trí” - anh chia sẻ.
Nhìn hàng trăm bị nấm linh chi lăn lóc dưới thềm nhà, bụi bám mờ trên tai, chồi nấm, chẳng mấy ai nghĩ nó có thể trở thành tiêu điểm lung linh cho một chậu tiểu cảnh. Ấy vậy mà, những cây nấm vốn chỉ được bán theo ký ấy trở nên giá trị hẳn nếu được trang trí, chăm chút theo con mắt nghệ thuật. Là một kiến trúc sư, anh Vũ đã tạo ra sự khác biệt cho những cây nấm linh chi. Một vài cục đá cuội, một chút mầm lá, một thân nấm linh chi đỏ và một mầm linh chi chưa tạo quả thể, anh đã biến chúng thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt. Anh Vũ cho biết: “Điều quan trọng là phải biết cách phối chúng với nhau một cách hài hòa, tạo ra điểm nhấn không gian và sự đối lập màu sắc để tạo được chủ đề”.
Nhiều người cũng cho rằng nấm linh chi không chỉ làm cảnh mà về phong thủy nó còn đem lại may mắn, trường thọ cho chủ nhà. Có lẽ vì vậy mà những chậu tiểu cảnh của chị Mai, anh Vũ dù làm một cách nghiệp dư lại rất được ưa chuộng, không kịp theo đơn đặt hàng. Điều dễ thấy là những chậu cây cảnh họ sáng tạo đều toát ra tình yêu thiên nhiên, yêu sự cân bằng hài hòa của tự nhiên. “Cây cảnh nấm linh chi ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh phần lớn bị cắt ghép, phủ keo PU cho bắt mắt nên cây bị chết, chỉ còn hình dáng và màu sắc nhân tạo, nhưng với tôi, tôi để cây vẫn sống, vẫn sinh trưởng tự nhiên để bản thân nó thực sự toát lên sức sống, chứ không phải là một mẫu gỗ vô hồn”, anh Vũ chia sẻ.
Xuân đến, mọi người lại về quây quần bên gia đình đón Tết. Và cây nấm linh chi lại mang đến cho đời vẻ đẹp thuần khiết, là biểu trưng cho sức sống và đem lại may mắn cho mọi người.
Khánh Minh