Sử thi là tiếng lòng, nỗi niềm thể hiện khát vọng của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn từ bao đời nay. Thế nhưng, hiện ở Khánh Sơn chỉ còn một số ít nghệ nhân đau đáu với ký ức sử thi, cố giữ lửa cho tiếng lòng của đồng bào mình khỏi tắt…
Sử thi là tiếng lòng, nỗi niềm thể hiện khát vọng của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn từ bao đời nay. Thế nhưng, hiện ở Khánh Sơn chỉ còn một số ít nghệ nhân đau đáu với ký ức sử thi, cố giữ lửa cho tiếng lòng của đồng bào mình khỏi tắt…
Sống cùng ký ức sử thi
Chiều dần buông. Trong căn nhà sàn đơn sơ ở xã Thành Sơn, nghệ nhân Cao Thị Quang bỏ thêm củi vào bếp lửa rồi bảo con gái đi gọi các cháu của mình về để nghe già hát kể sử thi. Già bảo: “Phải cho bọn trẻ nghe sử thi để chúng còn biết về tiếng lòng, tâm sự của cha ông ngày xưa. Mấy đứa này ở gần bà, được bà kể cho nghe nhiều câu chuyện sử thi nên chúng cũng dần quen rồi”.
Nghệ nhân dân gian Cao Thị Quang đang hát kể sử thi cho các cháu nghe |
Khi mọi người đã quây quần đông đủ, già Quang bắt đầu cất giọng hát kể sử thi Chàng Chilang bằng làn điệu Tah Rughơm: Giờ này ơi chàng Chilang/Bụng tôi đói cồn cào/Đói đến nỗi mắt mờ rồi/Nàng Cunãi Chhia đi lấy nếp thơm/Nàng Cunãi Hara đi lấy bo bo ngọt/Coi chừng giặc Cur đang tiến về… Những lời ca đều đặn ngân nga như dẫn dắt suy tư của những đứa trẻ đến miền đất huyền thoại về chàng Chilang dũng cảm đương đầu với giặc để bảo vệ buôn làng.
Trong câu chuyện với già Quang, chúng tôi như hiểu hơn tình yêu của già đối với vốn văn hóa của dân tộc mình. Ánh mắt già vui hơn khi được nhắc về lời ca và làn điệu mà già thuộc lòng suốt mấy chục mùa rẫy qua như: sử thi Chàng Jihia, Chàng Javrai... “Những bộ sử thi này thường nói chuyện về một người con ưu tú của buôn làng, nói đến lòng dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lòng hiếu thảo với cha mẹ, tình yêu đôi lứa chung thủy của người Raglai xưa”, già Quang nói.
Nghệ nhân dân gian Mấu Thị Giêng |
Khi chúng tôi đến, nghệ nhân dân gian Cao Thị Thanh (xã Thành Sơn) đang cùng cô cháu nhỏ hái cà phê. Vừa móm mém nhai trầu, già vừa khe khẽ hát kể cho cháu nghe những câu ca trong sử thi Vumãu Jing - Vumãu Ja: Ơi nàng út Ladiaq/Nàng Awơi Tiluiq biết đi lối nào/Tôi đi tìm chàng của tôi/Tôi đi tìm chồng của tôi/Đã quá ngày, đã trễ năm/Tìm nào có dễ đâu nào… Những câu hát ấy như một sự giải tỏa cho nỗi nhớ về một thời của những làn điệu sử thi tràn ngập không gian núi rừng. “Ngày đó dân mình khổ lắm, lại phải chịu cảnh giặc giã nên cái bụng không no, cái miệng lạt muối. Nhưng khi đêm về, dân làng bao giờ cũng quây quần bên bếp lửa để nghe người già kể chuyện. Trai gái tìm hiểu nhau, thành vợ thành chồng cũng từ những buổi nghe hát kể sử thi”, già Thanh nhớ lại. Mê say làn điệu Adoh, Tah Rughơm, Siri, Alâu..., những lời ca mộc mạc, nhiều câu chuyện giản dị của sử thi Raglai đã trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống của già. Để đến bây giờ, dù đã đi qua 80 mùa rẫy, già vẫn thuộc nằm lòng sử thi Vumãu Jing - Vumãu Ja, đặc biệt là bộ sử thi dài hàng trăm câu về Chàng Udai - Ujàc dũng cảm đi đánh giặc Cur để bảo vệ đất nước, xóm làng.
Năm nay, nghệ nhân dân gian Mấu Thị Giêng (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) gần bước sang tuổi 80, sức khỏe đã yếu, nhưng ngày qua ngày già vẫn lần tìm niềm vui cho mình qua những làn điệu sử thi. Già Giêng thích nhất câu chuyện về nữ thần Awơi Nãi Tilơr, người dám đứng lên đấu tranh chống lại thần rừng, thần biển để bảo vệ người dân. “Ngày trước, nghe người già kể lại nhiều lần rồi dần thuộc lòng. Càng thuộc tôi càng thấy hay, càng thấy thấm thía”, già Giêng tâm sự.
Nghệ nhân dân gian Cao Thị Thanh |
Theo già Giêng, từ nhỏ già đã được sống trong bầu không khí của những làn điệu sử thi. Những câu chuyện của người xưa được truyền từ đời này qua đời khác như một báu vật vô giá của cộng đồng, mỗi câu chuyện được kể bằng các làn điệu khác nhau. Điệu Siri dìu dặt như lời ru con của các bà mẹ trên đường lên rẫy; điệu Majêng như một lời tâm sự; điệu Adoh rộn ràng như không khí buôn làng vào mùa lễ hội... Và chính những câu chuyện, những làn điệu đó đã nuôi dưỡng tâm hồn của người Raglai.
Nỗi lòng canh cánh
Trong câu chuyện với những nghệ nhân dân gian hát sử thi ở Khánh Sơn, chúng tôi cảm nhận được nhiều nỗi băn khoăn. Lật giở từng trang trong tập Kho tàng sử thi Tây Nguyên, nghệ nhân Mấu Thị Giêng cho biết, già được huyện tặng tập sách này mấy năm trước. Thế nhưng ngoại trừ già, con cháu trong nhà không mấy quan tâm. “Già buồn lòng lắm nhưng cũng không thể trách được vì chúng nó có thuộc làn điệu sử thi nào đâu. Có xem thì chúng cũng không hiểu, không hát được”, già Giêng chia sẻ.
Những năm trước đây, già Giêng vẫn thường đến những chỗ có đông trẻ con để hát kể sử thi cho chúng nghe. Còn bây giờ đôi chân đã mỏi, chỉ quanh quẩn trong nhà nên già chỉ tự biết hát cho riêng mình. Thỉnh thoảng, có người ở huyện lên mời già đi truyền dạy sử thi cho học sinh, già lại cảm thấy rất vui. Mỗi lần có người đến sưu tầm, ghi chép, thu âm lại những làn điệu sử thi già thuộc, già đều sẵn lòng.
Với nghệ nhân Cao Thị Quang, sự hụt hẫng khi vốn văn hóa truyền thống của tộc người Raglai bây giờ bị mai một càng thể hiện rõ. Bởi trong số các nghệ nhân nêu trên, già Quang là người nắm giữ và thuộc khá trọn vẹn nhiều tác phẩm sử thi Raglai. Mong muốn của già là truyền lại được cho thế hệ sau những vốn quý đó. Chính vì thế, hàng ngày, già vẫn tập hợp con cháu để nghe già kể sử thi. “Con cháu trong nhà bây giờ đã chịu ngồi nghe già hát kể sử thi rồi, nhưng đám thanh niên bên ngoài vẫn còn thờ ơ lắm”, già Quang chia sẻ.
Thực tế, trên địa bàn huyện Khánh Sơn, những người còn nhớ các làn điệu sử thi không còn nhiều, đa số họ đều đã lớn tuổi, sức khỏe giảm sút, trí nhớ không còn minh mẫn. Chính vì thế, sử thi Raglai ở Khánh Sơn đang đối mặt với nguy cơ bị mai một. Theo ông Phạm Văn Hợp, nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn, các nghệ nhân dân gian là những người còn nhớ và lưu giữ được khá nhiều làn điệu sử thi Raglai. Huyện đã nỗ lực mời các nghệ nhân về truyền dạy sử thi cho học sinh. Tuy nhiên, do những hạn chế về thời gian mở lớp, kinh phí, không gian diễn xướng... nên hiệu quả mang lại chưa như mong đợi. “Lớp trẻ ngày nay ít quan tâm đến sử thi. Việc lưu truyền sử thi chủ yếu qua phương thức truyền khẩu, trong khi đó chúng ta vẫn chưa khai thác hết khả năng của các nghệ nhân về những làn điệu sử thi. Mặt khác, những chế độ, chính sách ưu đãi dành cho các nghệ nhân truyền dạy sử thi cũng chưa có. Vậy nên sử thi Raglai cứ dần mai một”, ông Hợp nói.
Giang Đình