11:07, 22/07/2015

Xây dựng chương trình bảo tồn nghệ thuật bài chòi

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết: 
 
 
- Bài chòi là hình thái nghệ thuật trình diễn sinh động, mang bản sắc riêng với sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất... thể hiện tính đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của cộng đồng dân cư được kế tục qua nhiều thế hệ. Nghệ thuật bài chòi dân gian gắn bó mật thiết với sự hình thành và phát triển văn hóa của vùng đất Khánh Hòa. Hiện nay, Khánh Hòa là 1 trong 10 tỉnh, thành được tham gia lập hồ sơ di sản văn hóa bài chòi trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 
 
- Xin ông cho biết, thực trạng của nghệ thuật bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh hiện nay?
 
- Qua khảo sát, toàn tỉnh hiện có 341 người biết hát bài chòi dân gian, sinh sống ở 72 xã, phường, thị trấn thuộc  6 địa phương gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh. Các nghệ nhân thường diễn xướng các tích tuồng cổ dân gian như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa... Bài chòi ở Khánh Hòa có 2 hình thức diễn xướng chủ yếu: Bài chòi độc diễn (bài chòi lớp, bài chòi trải chiếu, bài chòi ghế) và bài chòi trên giàn (hô đánh bài chòi, hội chơi bài chòi). Hiện Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức các nhóm nghệ nhân phục dựng các hội bài chòi dân gian ở công viên bờ biển Trần Phú. 
 
- Khánh Hòa sẽ có những hoạt động gì để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể bài chòi dân gian, thưa ông?
 
- Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi dân gian cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều tầng lớp nhân dân... Theo kế hoạch đã được phê duyệt, năm 2016, Sở VH-TT-DL sẽ chủ trì khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xây dựng kế hoạch dài hạn về công tác bảo tồn loại hình nghệ thuật này; tổ chức hội thảo khoa học (cấp tỉnh) về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, để bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi dân gian, những năm tới ngành Văn hóa sẽ đưa bài chòi vào chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh, tiến đến xây dựng liên hoan nghệ thuật bài chòi dân gian 2 năm/lần; phối hợp với các huyện, thị, thành phố xây dựng chương trình bảo tồn nghệ thuật bài chòi theo đặc thù của địa phương; hỗ trợ các câu lạc bộ, nghệ nhân trong việc truyền dạy di sản nghệ thuật bài chòi tại cộng đồng... 
 
Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục sẽ đưa nghệ thuật bài chòi dân gian vào giảng dạy trong trường học. Ngoài ra, ngành còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phục dựng, quay phim tư liệu lưu trữ di sản nghệ thuật bài chòi dân gian; công tác tuyên truyền, phổ biến giá trị nghệ thuật bài chòi dân gian cũng sẽ được đẩy mạnh.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
X.T (thực hiện)