Hưởng ứng Festival Biển 2015, Viện Hải dương học sẽ tổ chức triển lãm "Tri thức đồng hành cùng tình yêu biển đảo". Triển lãm sẽ góp phần chuyển tới công chúng những tri thức về biển, qua đó nhân rộng tình yêu biển đảo.
Hưởng ứng Festival Biển 2015, Viện Hải dương học sẽ tổ chức triển lãm “Tri thức đồng hành cùng tình yêu biển đảo”. Triển lãm sẽ góp phần chuyển tới công chúng những tri thức về biển, qua đó nhân rộng tình yêu biển đảo.
Festival biển là cơ hội lớn để quảng bá, truyền tải thông tin, tình yêu biển đảo tới cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, những năm qua, Viện Hải dương học đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội biển. Festival Biển 2011, Viện Hải dương học khai trương khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa với hàng trăm bản đồ, hình ảnh, mẫu vật... về tài nguyên của 2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, khu trưng bày này còn có nhiều bản đồ của Việt Nam và thế giới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Mô hình tàu De Lasessan - chiếc tàu từng có nhiều chuyến khảo sát ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1926 đến 1930. |
Năm nay, Viện Hải dương học tổ chức triển lãm Tri thức đồng hành cùng tình yêu biển đảo (từ ngày 11 đến 14-7) với mong muốn tri thức, tình yêu biển đảo ngày càng lan tỏa. “Chúng tôi chọn chủ đề này vì nghĩ rằng yêu cũng phải biết cách yêu, phải có tri thức mới có thể hiểu và yêu biển đảo. Muốn khai thác, khẳng định chủ quyền, muốn quản lý tốt biển đảo thì phải có tri thức, chúng ta không thể tiến ra biển chỉ bằng tình yêu”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học giải thích về ý tưởng đặt tên triển lãm.
Trong những ngày này, cán bộ, nhân viên Viện Hải dương học đang tất bật chuẩn bị triển lãm. Triển lãm gồm 5 phần, trong đó phần 1 giới thiệu với người xem những hiểu biết về biển với bản đồ các chuyến khảo sát về biển, kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là cuốn sách cổ được xuất bản từ thế kỷ XVII - XVIII do các nhà nghiên cứu châu Âu đi khảo sát, ít nơi trên thế giới có được. Phần 2 sẽ cung cấp cho người xem góc nhìn về sự đa dạng sinh học biển với các ảnh chụp về sinh vật dưới đáy biển, tem về sinh vật biển. Tiếp đó, triển lãm giới thiệu ngư cụ đánh bắt truyền thống của người Việt (thuyền thúng, lưới vây, rớ chòi, lưới đăng...); tai biến thiên nhiên (xác tàu đắm vì bão biển, hình ảnh về xói lở bờ biển...), những hoạt động của con người gây hại cho môi trường biển. Cuối cùng, triển lãm giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa biển đảo của miền Trung với mô hình miếu thờ cá ông, lễ hội cầu ngư.
Đáng chú ý trong triển lãm là bộ sưu tập gần 1.000 con tem về đa dạng sinh học biển của GS.TS Yasuwo Fukuyo, nguyên giảng viên Trường Đại học Tokyo. Các con tem được sắp xếp theo chủ đề như: Cá rạn san hô; san hô và hải quỳ; thực vật dưới biển; giáp xác; bò sát, chim và thú biển... Đặc biệt, trong bộ sưu tập này có một số tem rất đặc biệt như tem về sinh vật biển Việt Nam, tem được ghép từ hình ảnh của hàng nghìn loài cá, tem với các chi tiết nhìn thấy dưới đèn cực tím. Theo lãnh đạo Viện Hải dương học, GS Yasuwo Fukuyo là chuyên gia đầu ngành về tảo độc. Những năm qua, ông đã hợp tác và hỗ trợ Viện rất nhiều, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu và đào tạo. GS Yasuwo Fukuyo bắt đầu sưu tập tem từ cách đây khoảng 50 năm, đến nay ông đã có hơn 30.000 con tem về nhiều chủ đề khác nhau, trong đó chủ đề đa dạng sinh học biển được ông đặc biệt chú trọng. “Trao tặng Viện Hải dương học Việt Nam bộ tem để trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học, GS Yasuwo Fukuyo muốn chia sẻ niềm đam mê sưu tập tem và tình yêu thiên nhiên, yêu biển với đông đảo công chúng đến tham quan Bảo tàng”, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngân - Trưởng phòng Truyền thông và giáo dục môi trường Viện Hải dương học chia sẻ.
Với mong muốn những thông tin, tri thức từ triển lãm sẽ lan tỏa đến đông đảo người dân, Viện Hải dương học sẽ mở cửa miễn phí cho khách tham quan trong suốt những ngày diễn ra Festival Biển 2015 (11 đến 14-7). “Tôi hy vọng triển lãm sẽ mang lại sự thú vị cho người xem, góp phần nâng cao hiểu biết của người Việt về biển, tài nguyên biển... để bảo vệ môi trường, sự đa dạng sinh học biển”, PGS.TS Võ Sỹ Tuấn bày tỏ.
XUÂN THÀNH