Miêu tả khá rõ về phong cảnh, đời sống, tập tục… của người dân Nha Trang cách đây hơn 100 năm, cuốn sách "Ba năm sống ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước"
Miêu tả khá rõ về phong cảnh, đời sống, tập tục… của người dân Nha Trang cách đây hơn 100 năm, cuốn sách “Ba năm sống ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước” (Gabrielle M. Vassal, Nguyễn Nam Huân dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) là một tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về Nha Trang và những vùng phụ cận ở đầu thế kỷ XX.
Những trang ghi chép sinh động
Tác giả của cuốn sách (Gabrielle M. Vassal) là một phụ nữ người Anh, lấy chồng là sĩ quan quân y người Pháp J.J. Vassal. Năm 1904, bác sĩ J.J. Vassal được bổ nhiệm làm việc ở Viện Pasteur Nha Trang, bà đã theo ông sang sống ở An Nam (tên gọi của miền Trung thời Pháp thuộc). Trong khi chồng bận rộn với công vụ và việc nghiên cứu những chứng bệnh nhiệt đới; để bớt nỗi nhớ nhà, bà đã bỏ công tìm hiểu cảnh vật, phong tục sinh hoạt của con người bản xứ. Khi về nước, bà đã viết lại những điều này như một kinh nghiệm sống và sự trải nghiệm thú vị.
Trong tập sách, tác giả đã miêu tả khá rõ về phong cảnh, đời sống của người dân Nha Trang cách đây hơn 100 năm. Theo tác giả, năm 1904, Nha Trang vẫn còn là một làng chài với dân số 3.000 người. Cả một vùng đất rộng lớn chỉ có 3 nhà lầu, đó là Viện Pasteur, nhà dây thép (bưu điện) và nhà bác sĩ Yersin. Cứ 2 tuần một lần, tàu thủy chạy tuyến Sài Gòn - Hải Phòng ghé lại Nha Trang để đưa những người Âu đến nhận nhiệm sở. Du khách khó kiếm được chỗ trú ngụ ở đây, bởi lúc ấy chỉ có một phòng ngủ kèm hàng ăn của người Tàu. Làng chài Cửa Bé, cảnh buôn bán ở cửa sông Cái, làng gốm Lư Cấm, Tháp Bà Ponagar và tín ngưỡng thờ mẫu... được miêu tả rất sinh động, giàu cảm xúc. Bên cạnh đó, những sinh hoạt hàng ngày, trang phục, chuyện chợ búa, ngày Tết, tôn giáo và những tập tục mê tín dị đoan, vị trí của người phụ nữ trong xã hội được Gabrielle M. Vassal kể lại bằng giọng văn chân phương, với đôi mắt bao dung của một người phụ nữ đầy lòng trắc ẩn. Ngay cả lỗi lầm của những người phục vụ trong nhà cũng được bà kể lại với giọng hài hước và đầy cảm thông....
Trong cuốn sách của mình, Gabrielle M. Vassal đã dành nhiều trang viết để kể lại hành trình Nha Trang đi Cam Ranh, Phan Rang, lên cao nguyên Lâm Viên. Với sở thích ưa khám phá, tác giả đã đến tận nơi người dân tộc thiểu số sinh sống và đã có những ghi chép thú vị về lễ đâm trâu, tục cà răng căng tai, tang lễ của đồng bào dân tộc thiểu số... ở cao nguyên Lâm Viên. Những nỗi vất vả, phiêu lưu trên đường đi, chuyện đi săn cọp ở cao nguyên... đều được kể lại khá hấp dẫn. Vì thế, trong chừng mực nào đó, có thể xem Ba năm sống ở An Nam… là một cuốn du ký về Nha Trang và các vùng phụ cận.
Số phận ly kỳ của cuốn sách
Bản gốc cuốn sách Ba năm sống ở An Nam… được bà Gabrielle M. Vassal lấy tên là On and Off Duty in Annam (về sau được gọi Three years in Vietnam) do Nhà xuất bản Heinemann ở London phát hành năm 1910. Năm sau, chồng bà đã phỏng dịch ra tiếng Pháp, đăng nhiều kỳ trên tạp chí du lịch thám hiểm nổi tiếng của Pháp thời ấy là Tour du Monde. Năm 1912, Nhà xuất bản Hachette ở Paris cho in thành sách với tên gọi Mes Trois Ans d’Annam, bác sĩ Roux (từng làm việc ở Viện Pasteur Nha Trang) viết lời giới thiệu.
Theo ông Nguyễn Nam Huân - người dịch, năm 2003, tình cờ trên Internet ông tìm thấy bản in Three years in Vietnam do một cơ sở ở Bangkok (Thái Lan) in lại và rao bán với giá 25USD. Sau đó không lâu, ông lại thấy cuốn Mes Trois Ans d’Annam được đấu giá trên Ebay. Vốn là người gốc Nha Trang, ông Huân rất muốn mua cuốn sách này, nhưng việc đấu giá của ông gặp thất bại. Ngay sau đó, ông đã tìm hiểu thông tin về người có được cuốn sách này, đó là một người Pháp chuyên sưu tầm sách cổ về Đông Dương. Từ đó, ông đã liên lạc với nhà sưu tập người Pháp, xin bản photo cuốn sách và bỏ công dịch ra tiếng Việt. Trong Ba năm sống ở An Nam…, người dịch còn viết thêm phụ lục Nha Trang - Cái nhìn hoài cổ để giới thiệu về lịch sử của Nha Trang cùng những đổi thay của vùng đất này từ khi bà Vassal về Pháp đến khoảng những năm 60 của thế kỷ trước.
Dù được viết ra bởi một người nước ngoài, có những cách nhìn nhận, đánh giá chưa thật thỏa đáng, cuốn sách vẫn là một tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về Nha Trang và những vùng phụ cận ở đầu thế kỷ XX.
THÀNH NGUYỄN