06:07, 22/07/2015

Những lời ca yêu thương một thời

Đó là những bài hát về chủ đề thương binh, liệt sĩ trong dòng nhạc cách mạng hào hùng. Với lời ca tha thiết của lòng biết ơn vô hạn, các ca khúc đó đã góp phần xây đắp lên tượng đài bất tử bằng âm nhạc dành cho các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đất nước.

Đó là những bài hát về chủ đề thương binh, liệt sĩ trong dòng nhạc cách mạng hào hùng. Với lời ca tha thiết của lòng biết ơn vô hạn, các ca khúc đó đã góp phần xây đắp lên tượng đài bất tử bằng âm nhạc dành cho các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì đất nước.
 

Nhạc sĩ Huy Du mở màn dòng bài hát tri ân các anh hùng liệt sĩ bằng 2 tác phẩm để đời, đó là Bế Văn Đàn anh vẫn còn sống mãi và Cùng anh tiến quân trên đường dài. Theo lời tâm sự của nhạc sĩ Huy Du, năm 1964 là thời điểm miền Bắc bắt đầu bị quân Mỹ phá hoại bằng máy bay, với tình thế đó thì cần phải có tinh thần Điện Biên Phủ để bước vào trận chiến mới. Đó là đơn đặt hàng của Tổ quốc lên trái tim người nghệ sĩ nên dù rất khó, nhạc sĩ vẫn thể hiện tấm gương liệt sĩ Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng ở mặt trận Điện Biên Phủ tha thiết theo đúng tình cảm của mọi người: Bế Văn Đàn ơi…/Thời gian trôi qua anh vẫn còn vẫn còn sống mãi/...Đàn em thơ đang hát ca đời anh…

 

Thắp nến tri ân liệt sĩ. (Ảnh minh họa)
Thắp nến tri ân liệt sĩ. (Ảnh minh họa)

 

Với bài Cùng anh tiến quân trên đường dài, nhạc sĩ Huy Du đã xử lý giai điệu rất mượt mà thấm đẫm hương vị bản địa thành bức tranh bằng âm nhạc trên nền thơ của Xuân Sách: Qua đất trung du xanh màu lá biếc/Quê anh yêu dấu tím đỏ đồi sim/Chân bước đi xa lòng còn để lại/Quê hương anh đấy ngỡ quê hương mình… Bài hát hay ở chỗ tuy rất trữ tình, lãng mạn nhưng chủ thể vẫn là sự lạc quan với niềm tin chiến thắng, khắc họa rõ nét hình ảnh của anh hùng Nguyễn Viết Xuân...
 
Cùng thời điểm đó, nhạc sĩ Văn An có bài hát Thái Văn A đứng đó để ca ngợi sự anh dũng của người chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ dưới làn bom, pháo hạm ác liệt của quân Mỹ dội vào: Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/Thái Văn A, Thái Văn A đứng đó/Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời. Giờ đây, khi đất nước thanh bình, tượng đài và âm thanh của bài hát về Thái Văn A vẫn như điểm tựa cho niềm tin chiến thắng trước mọi quân thù trên biển khơi.
 
Có hai nữ liệt sĩ miền Nam là Võ Thị Sáu và Lê Thị Hồng Gấm đã thành chủ đề cho nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và Phạm Tuyên thể hiện trên cả thành công. Khi viết Nhớ ơn chị Võ Thị Sáu, là một họa sĩ nên khi nghe những chi tiết: thiếu nữ 16 tuổi, cài hoa trắng, quê miền đất đỏ, nơi Côn Đảo trùng trùng sóng biếc... nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã vẽ một bức tranh về Võ Thị Sáu đẹp tới mức hoàn mỹ, vừa nên thơ vừa bi hùng. Mùa hoa lê-ki-ma nở ở quê ta miền đất đỏ/Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở. Nhạc sĩ cứ nhắc đi nhắc lại đầy tha thiết với những nốt cao vút như đi tới ngút ngát bi thương của người nghe rồi lại trầm xuống tới tận đáy lòng sự cảm nhận tự hào. 
 
Trong khi đó, nhiều người nghe rất ngạc nhiên khi bài hát về liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm là của nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhưng chỉ nghe giai điệu thì hiểu ngay. Vì Phạm Tuyên vốn sở trường với dòng nhạc tươi trẻ, giai điệu nhanh, hồn nhiên. Bài hát Những cánh chim Hồng Gấm thực sự rộn ràng bước chân mọi người với trái tim dào dạt lạc quan. Dâng tuổi xuân cho đất nước quê hương/Tấm gương Hồng Gấm kiên trung trong sáng yêu thương/...Và mỗi chúng ta hãy là một Hồng Gấm anh hùng.
 
Nhạc sĩ Vũ Thanh kể lại rằng khi ông sáng tác về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, những thông tin về anh Trỗi rất hiếm. Chỉ đến khi tác phẩm của nhà văn Trần Đình Vân Sống như anh ấn hành thì mọi người mới rõ ràng về thân thế, chiến công của anh Trỗi. Với Vũ Thanh, ông đã tóm tắt lại toàn bộ diễn biến những phút giây cuối cùng của người anh hùng bằng bài hát anh hùng ca của mình: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Trỗi/Người công nhân thành phố Sài Gòn/Mà lời anh trước súng giặc thù, vẫn cháy lửa chiến đấu... Bài hát được chiến sĩ, thanh niên yêu thích, sau này trở thành bài ca chính trong các dịp biểu diễn văn nghệ về chủ đề thương binh, liệt sĩ.
 
Khác với nhiều lớp đàn anh của mình, nhạc sĩ Trần Tiến lại đảm nhiệm công việc thời hậu chiến với bao nỗi day dứt của thân phận con người. Tuy nhiên, dưới con mắt của một cựu chiến binh, những vết thương của con người qua cuộc chiến thật đau thương có chút xót xa nhưng trên tất cả đó niềm tự hào, và Vết chân tròn trên cát cùng Chuyện tình thảo nguyên là hai ca khúc thấm đẫm tư tưởng đó. Đặc biệt, Vết chân tròn trên cát trở thành bài hát lãng mạn da diết tới cháy bỏng, còn Chuyện tình thảo nguyên là câu chuyện cổ tích đầy nhân ái. 
 
Chúng ta cũng có thể kể thêm Bài ca không quên của Phạm Minh Tuấn, Thời hoa đỏ của Thuận Yến, Cỏ non Thành cổ của Tân Huyền... - những bài hát thực sự lay động lòng người.
 
Như vậy, trong lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc cách mạng đã làm trọn vẹn nhiệm vụ của mình: tôn vinh sự hy sinh cao cả của hàng triệu thương binh, liệt sĩ. Đó là những tượng đài bằng âm nhạc trong lòng người cho đến tận hôm nay.
 
 
DƯƠNG TRANG HƯƠNG