11:07, 31/07/2015

Nhạc sĩ Trần Tiến - Đâu chỉ là du ca!

Nhiều người gọi nhạc sĩ Trần Tiến như thế. Nhưng qua nhiều tác phẩm đa màu của mình, Trần Tiến thực sự là một nhà quảng bá văn hóa bản địa bằng âm nhạc đặc sắc và cũng là người mở đầu cho dòng âm nhạc dân ca đương đại nở rộ sau này.

Nhiều người gọi nhạc sĩ Trần Tiến như thế. Nhưng qua nhiều tác phẩm đa màu của mình, Trần Tiến thực sự là một nhà quảng bá văn hóa bản địa bằng âm nhạc đặc sắc và cũng là người mở đầu cho dòng âm nhạc dân ca đương đại nở rộ sau này.


Trần Tiến tên thật là Trần Việt Tiến, sinh năm 1947, vốn quê gốc miền xứ Đoài mây trắng Sơn Tây - nơi có những tảng đá ong đỏ hân hất, dưới đất sâu thì mềm mại, khi phơi với nắng thì cứng hơn sắt - điều đó vận vào con người chàng nhạc sĩ sau này: xù xì đầy góc cạnh, lấp lánh những sắc màu tài hoa nhưng lại rất mềm mại cảm xúc của trái tim đa cảm. Trần Tiến lớn lên giữa Thủ đô, với đủ trò chơi của tuổi thơ: leo cây sấu, tắm hồ, nhảy tàu điện... hoặc lang thang trong những ngõ ngách hun hút rêu xanh mướt, nên sau này dù định cư ở Sài Gòn, Trần Tiến vẫn nhung nhớ về “Tuổi thơ tôi Hà Nội”. Và sở thích sướng nhất của nhạc sĩ là ngồi bên quán nước vỉa hè trước ngôi nhà cổ trong mùa đông se se rét gần Ô Quan Chưởng để trầm tư, lãng du trong hoài cảm. Nếu ai đưa cho ông cây đàn ghi-ta thì tự nhiên những giai điệu sâu thẳm xa ngái sẽ vang lên buồn buồn đúng chất của người nghệ sĩ giang hồ dừng chân miền ký ức.

 


Nhiều người gọi Trần Tiến là nhạc sĩ du ca quả không sai. Nhớ năm xưa, Trần Tiến với ban nhạc Đen - Trắng trên chiếc xe Jeep đi lang thang các nẻo đường dọc dài đất nước với cây ghi-ta thùng rộn rã - hệt như nghệ sĩ digan xa xưa. Nhờ có sự trải nghiệm bụi trần đó đã khơi gợi nên những nốt nhạc đầy phiêu lãng mà hằn sâu mùi đất quê hương.


Trần Tiến là một trong số hiếm hoi nhạc sĩ xuất thân từ ca sĩ giống như Trần Chung, Phan Huấn, Tường Vi... Khởi nguồn chỉ là chàng thanh niên làm hậu đài của Đoàn Ca múa Hà Nội nhưng với năng khiếu cộng với chất bụi liều, chỉ ít năm sau, chàng trai Hà Nội đã trở thành ca sĩ đơn ca của đoàn, tất nhiên có sự giúp đỡ của ông anh bậc thầy Trần Hiếu. Rồi chàng ca sĩ có giọng hát bụi đầy chất lửa xin ngay ra chiến trường, sang cả miền nam Lào và ở đây có một bài hát nổi tiếng: Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp với lời ca và giai điệu tươi trẻ, rất lạ mang âm hưởng dân ca Lào: Ồ lê ê... Này cô gái trên nương ơi! Chịu khó nuôi chiến sĩ người diệt thù vì dân (ơ) chưa về. Ồ lê ê... Rồi mai đây đất nước vắng bóng thù. Đợi chờ anh lại về bên em người đẹp ơi!. Có lẽ cùng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Trần Tiến là nhạc sĩ thứ hai có bài hát hay về nước bạn Lào cho tới tận bây giờ. Khi đó ông sáng tác hoàn toàn ngẫu hứng. Có người nói hình như trong những lần bên đống lửa của núi rừng Sầm Nưa, chất hào hoa, kiêu hùng của trai Hà Nội như kiểu lính Tây Tiến của thi sĩ Quang Dũng năm xưa trỗi dậy nên Trần Tiến đã có thần để sáng tác, tất nhiên phải có sự xúc tác của những gót chân, búp tay măng của cô gái Lào xinh đẹp.


Sau nhiều trận sốt rét ác tính, chàng trai Hà Nội phải rời chiến trường về quê và được đi học nhạc ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1978, với tấm bằng thanh nhạc và sáng tác, Trần Tiến đã xuất hiện với chùm ca khúc ấn tượng: Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Vết chân tròn trên cát, Chiếc vòng cầu hôn... Giữa lúc Tổ quốc đang ngút ngàn khói lửa nơi hai đầu biên giới, Trần Tiến nổi nên như một nhạc sĩ trẻ, thế hệ mới với góc nhìn mới khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho giới trẻ.


Khả năng sáng tác của Trần Tiến cực kỳ đa dạng và đầy màu sắc. Tuy nhiên, âm hưởng rất lớn của ông chính là tính dân tộc với những màu sắc văn hóa riêng biệt và ông vô tình trở thành nhà quảng bá văn hóa bằng âm nhạc đặc sắc nhất trong giới nhạc. Có thể chỉ ra: Tây Nguyên có Chiếc vòng cầu hôn, Điệp khúc tình yêu; làng Chăm An Giang có Tiếng trống Baranưng; miền sơn cước Ninh Thuận của người Raglai, ông có bài Giấc mơ Chapi, Mưa bay tháp cổ; với miền Sông Hồng quê hương có: Ngẫu hứng sông Hồng, Lá diêu bông; Nam Bộ có Tùy hứng lý ngựa ô... Cùng với đó là những bài hát tuy không nói rõ ở đâu nhưng giai điệu cứ hiển hiện tầng văn hóa bản địa rõ ràng. Không phải ngẫu nhiên vị trưởng lão làng nhạc Việt là nhạc sĩ Phạm Duy khi nghe những bài hát của Trần Tiến đã dành tặng những lời khen đầy thán phục. Chưa kể, Trần Tiến còn là người khởi xướng mà mãi sau này người ta mới có từ để định nghĩa dạng ca khúc gọi là dân ca đương đại như: Ngẫu hứng sông Hồng, Lá diêu bông, Tùy hứng lý ngựa ô...


Nếu hỏi ai hát nhạc Trần Tiến hay nhất thì thật khó kể hết vì nhạc của ông rất đa dạng, và cũng vì thế hiếm có ca sĩ nào có thể “độc quyền” trình diễn nổi. Nhưng có một người có thể hát hay nhất, phiêu nhất và bụi nhất đó chính là tác giả - ca sĩ Trần Tiến. Ví dụ như Trần Tiến hát bài Mặt trời bé con hay Thành phố trẻ, Ngẫu hứng Sông Hồng thì hình như ông vừa hát vừa sáng tác thêm nốt nhạc - lời ca mới và mỗi lần biểu diễn là một kiểu, không lần nào giống lần nào. Chính vì thế, muốn thẩm thấu trọn vẹn chất âm nhạc Trần Tiến phải nghe Trần Tiến hát.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG