11:04, 14/04/2015

Tháng tư về với nhạc sĩ Dương Thụ

"Tháng tư về, gió hát mùa hè, có những chân trời xanh thế!"… Quả thực khi nghe giai điệu trong veo này, ai cũng thấy tươi trẻ, tâm hồn như bừng tỉnh sau những thoáng ưu tư về phút giao mùa. Và nhạc sĩ Dương Thụ, người nổi tiếng có những ca khúc trẻ trung một thời đã làm được điều ấy.

“Tháng tư về, gió hát mùa hè, có những chân trời xanh thế!”… Quả thực khi nghe giai điệu trong veo này, ai cũng thấy tươi trẻ, tâm hồn như bừng tỉnh sau những thoáng ưu tư về phút giao mùa. Và nhạc sĩ Dương Thụ, người nổi tiếng có những ca khúc trẻ trung một thời đã làm được điều ấy.


Với người yêu nhạc, Dương Thụ đã nổi tiếng từ lâu với ca khúc trẻ trung “Ru em bằng tiếng sóng” của thập niên 80 qua tiếng hát Lệ Quyên. Đây là dấu ấn rất đặc biệt của ông với nền âm nhạc hiện đại. Bởi lẽ, trước khi ca khúc này ra đời, chưa bản nhạc nào có giai điệu và lời bài hát “kỳ lạ” như vậy. Bài hát rất hiện đại, lời ca ngắn gọn, đơn giản nhưng cũng rất hấp dẫn: “Tiếng sóng xô bãi cát, tiếng biển xanh đang hát/tiếng sóng dội về bài hát khơi xa/hát tóc em xanh lắm/hát mắt em xa lắm/sóng hát ru em một sớm mùa hè”. Bài hát đã làm cho nhiều nhạc sĩ đương thời giật mình, vì thấy rằng nhạc Dương Thụ đi thẳng vào tâm hồn thực của con người đó là tình yêu. Đó là phong cách riêng biệt của Dương Thụ và ông đã trung thành với cách chọn này. “Ru em bằng tiếng sóng” - một cách ẩn dụ về tình yêu bằng hình ảnh biển, sóng, nắng và tâm hồn một cô gái. Ngay từ khi ra đời cho đến bây giờ, qua nhiều ca sĩ như: Lê Quyện, Trần Thu Hà, Phương Thanh, Hồng Nhung, Thanh Lam… ai hát cũng hay vì sự hiện đại của giai điệu, sự trau chuốt của ngôn từ hình ảnh. Đây là một trong số những bài về mùa hè hay nhất cho đến tận bây giờ. Dương Thụ trở thành nhạc sĩ gạo cội về nhạc trẻ suốt thập niên 90.  


Nhạc sĩ Dương Thụ kể rằng, vốn xuất thân từ một thầy giáo dạy văn, dù rất yêu nhạc và đã từng sáng tác một số bài hát nhưng vì tính tự ti nên suốt thời gian đi dạy học, ông vẫn không tin mình sáng tác được. Có giai đoạn ông thi đậu trường Âm nhạc cùng Nguyễn Cường, Trần Tiến nhưng vì nhiều lý do nên không theo học mà trở lại là thầy giáo. Tuy nhiên, với sự say mê âm thầm, ông vẫn tự học và sáng tác vì trong người ông có dòng máu âm nhạc của nhạc sĩ lừng danh Dương Thiệu Tước.


Chỉ từ khi vào TP. Hồ Chí Minh năm 1977 thì Dương Thụ mới thực sự phát triển về âm nhạc. Chính trong môi trường âm nhạc sôi động của thành phố đã tạo dựng nên một Dương Thụ đầy bản lĩnh và cá tính. Ban đầu ông lập nên những ban nhạc trẻ với nhiều ca sĩ nổi tiếng sau này như: Lệ Thụ, Sỹ Đan, Ngọc Bích…; rồi tổ chức biểu diễn, biên tập nhạc… Khi có phong trào “Làn sóng xanh”, “Topten âm nhạc” của đầu những năm 90 đã kích thích Dương Thụ làm việc hăng say, cho ra đời rất nhiều bài hát đều ở hàng top hit như: Vẫn hát lời tình yêu, Bay vào ngày xanh, Cho em một ngày, Đánh thức tầm xuân, Hơi thở mùa xuân, Lắng nghe mùa xuân về, Họa mi hót trong mưa, Tháng tư về… Nhiều album của ông bán rất chạy với những giọng ca như: Hồng Nhung, Bằng Kiều, Mỹ Linh, Thanh Lam, Trần Thu Hà…


Ngoài đời, Dương Thụ rất kiệm lời, thẳng thắn, ít đùa. Ông không có chất nghệ sĩ lãng mạn, mặc dù ca khúc của ông cực kỳ bay bổng. Dương Thụ vẫn có chất của một vị thầy giáo rất khả kính, nghiêm trang trong mọi thứ, và chính cái chất này lây vào công việc, đã không làm thì thôi, còn đã làm thì ông cực kỳ chu đáo, cẩn thận từng ly từng tí. Bằng chứng chương trình âm nhạc nổi tiếng “Những điều còn mãi” do Dương Thụ là tổng đạo diễn thường tổ chức hàng năm vào đúng trưa ngày Quốc khánh 2-9 đã thể hiện điều đó. Đây là một chương trình âm nhạc có giá trị thẩm mỹ mặc dù rất kén người nghe.


Trở lại với bài hát “Tháng tư về”, đây là câu chuyện tình yêu của đôi tình nhân đi dạo chơi trên một khoảng không gian bến sông vắng với đầy đủ lối nhỏ, vườn cây… vào thời điểm xuân vừa đi, hạ đang tới ngoài xa nơi chân trời mây trắng. Nét nhạc thanh thoát, bay bổng mà nhẹ nhàng, lời ca chính là bức tranh thiên nhiên trong sáng, nhiều sắc màu nhưng rất trữ tình, đầy lạc quan của người đang yêu. “Em mơ mơ về con đường nhỏ, quanh co lối mòn hoa dại nở, chỉ mình em bên anh bên anh, nghe bâng khuâng mấy nhành hoa lựu đỏ”. Ông kể lại rằng ông sáng tác theo suy tưởng chứ không lấy một hình ảnh cụ thể của hiện thực. Như bài hát “Họa mi hót trong mưa”, ông phát triển từ một làn điệu dân ca Thái, chứ không có hình ảnh nào ngoài đời như thế. Với bài hát “Tháng tư về” cũng vậy. Dương Thụ cho biết, chính lúc ngồi trong một góc vườn vắng ở phương Nam, mà cụ thể đây là ngôi nhà của ông ở TP. Hồ Chí Minh, ông đã nảy ra ý tưởng về  Tháng tư phương Bắc quê hương (ông quê Vân Đình, Hà Tây cũ): “Mây xa vời, nắng xa vời, con sông xa lững lờ trôi. Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng, hát giấc mơ xa lắm”. Và không ai hát hay hơn Hồng Nhung vì cô ca sĩ người Hà Nội cũng có tâm hồn như nhạc sĩ: nhung nhớ phút giây mùa hạ về nơi xa. Đây là nét rất độc đáo khi nhạc sĩ cũng như ca sĩ hòa trộn tâm hồn đa cảm với hiện thực lãng mạn.


Bài hát “Tháng tư về” đã thực sự lay động trái tim mọi người như ngắm nhìn hình ảnh đóa hoa loa kèn trắng tinh khôi như nắng hạ.


Dương Trang Hương