Ngày 30-4-1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày đất nước trọn niềm vui, Bắc Nam chung một nhà ấy đã in dấu ấn đậm nét trong điện ảnh nước nhà với những bộ phim tài liệu của các đạo diễn tên tuổi như: Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh...
Ngày 30-4-1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày đất nước trọn niềm vui, Bắc Nam chung một nhà ấy đã in dấu ấn đậm nét trong điện ảnh nước nhà với những bộ phim tài liệu của các đạo diễn tên tuổi như: Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh... Năm nay, dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, điện ảnh Việt Nam lại có thêm những thước phim mới về sự kiện lịch sử trọng đại này.
Nhân dân Sài Gòn vui mừng chào đón đoàn quân giải phóng. (Ảnh tư liệu) |
Ngay đầu năm 1975, các nhà làm phim quân đội đã có mặt trong những ngày đầu mở chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đến là Huế - Đà Nẵng... Trưa 30-4, các nhà quay phim quân đội đã có mặt ở Dinh Độc Lập (trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn) và kịp thời ghi lại phút giây lịch sử của ngày toàn thắng, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau đó, Xưởng phim Quân đội đã có những bộ phim nóng hổi như: Chiến thắng lịch sử 1975 (đạo diễn Trần Việt) với hình ảnh phố phường ngập cờ, hoa chào đón đoàn quân giải phóng; đặc biệt, phim Mùa xuân toàn thắng (4 tập, nhóm đạo diễn: Trần Duy Hinh, Nguyễn Khắc Lợi, Lê Thi) được đánh giá là thiên hùng ca về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.
Cùng thời gian này, Hãng phim truyện Việt Nam đã cử 4 đội phim với các đạo diễn tên tuổi gồm: Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Trần Vũ, Đặng Nhật Minh theo 4 cánh quân tiến vào Sài Gòn. Hứng khởi trước niềm vui vô bờ bến của dân tộc, các đạo diễn đã nhanh chóng cho ra đời những bộ phim: Tháng 5 - những gương mặt (Đặng Nhật Minh), Sài Gòn tháng 5-1975 (Bùi Đình Hạc), Qua cầu Công Lý (Trần Vũ), Thành phố lúc rạng đông (Hải Ninh). Trong một bài báo, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh kể lại, trưa 30-4, ông đang ở Phan Thiết thì nghe tin tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng qua đài phát thanh. Đến tối cùng ngày, nhóm làm phim của ông đã có mặt ở Sài Gòn. “Một cảm giác choáng ngợp, bàng hoàng đến nghẹt thở làm chúng tôi không thốt nên lời. Đêm ấy, tôi đã thức trắng với các chiến sĩ Sư đoàn 31 trong sân trước dinh Độc Lập, lòng tự hỏi: Tôi đã làm gì để có được cái may mắn quá lớn này? Sực nhớ đến nhiệm vụ, tôi yêu cầu làm việc ngay nhưng các anh quay phim cho biết không đủ ánh sáng. Sau một hồi tìm kiếm, các quay phim cũng tìm được bộ đèn pha cầm tay của một phóng viên nào đó để lại trong phòng họp báo của dinh Độc Lập. Chúng tôi bắt đầu quay những thước phim đầu tiên. Tôi đặt tên phim là Tháng 5 - những gương mặt (vì những cảnh quay đó được thực hiện vào lúc 1 giờ sáng ngày 1-5-1975)”, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh nói.
Trong số nhiều bộ phim tài liệu về chiến thắng lịch sử 30-4-1975, có một tác phẩm được đông đảo công chúng biết đến là bộ phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông của Hãng phim truyện Việt Nam. Sự phối hợp ăn ý giữa bộ đôi Hải Ninh - Hoàng Tích Chỉ đã cho ra một bộ phim tư liệu xúc động (trên youtube có bản phim này). Phim không mô tả chiến dịch, những trận đánh cụ thể, mà đi sâu phản ánh nét đối lập 2 mảng màu sáng - tối của Sài Gòn cách đây 34 năm, một Sài Gòn rực rỡ cờ, hoa với những con người mới làm chủ vận mệnh đất nước, đối lập với những tàn tích của chế độ cũ. Người xem phim có thể thấy sự tương phản giữa một Sài Gòn hoa lệ mà chủ nghĩa đế quốc dựng nên với nỗi thống khổ, cuộc sống cùng cực của người dân trong những khu ổ chuột... Cuộc sống khổ cực vẫn còn đó, nhưng chính họ đã đứng lên và xây dựng một cuộc sống bình yên mới. Trong cuốn hồi ký Điện ảnh - Những dấu ấn thời gian, cố đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Hải Ninh tâm sự: “Hồi bấy giờ, nhóm chúng tôi bàn nhau ý tưởng làm phim đi theo bước chân người lính. Nhưng tốc độ chiến dịch nhanh quá, thành ra ý tưởng đó không thành. Đoàn làm phim đi thẳng vào “hang ổ” cuối cùng - Sài Gòn - mà thú thật vẫn chưa biết làm phim như thế nào, chỉ tâm niệm: Sự kiện quan trọng nhất phải thu vào ống kính. Sài Gòn lúc bấy giờ có 2 mảng: Mảng đen tối còn lại của chế độ cũ và ánh sáng của giải phóng, của chế độ mới. Bản năng của người làm điện ảnh, cảm quan về ánh sáng giúp tôi nảy ra ý tưởng: Thành phố lúc rạng đông. Sài Gòn vẫn còn bóng tối, nhưng đã thuộc về ban ngày mà bình minh là thời điểm đẹp nhất. Thế là chúng tôi tập trung quay những cảnh gặp gỡ hội tụ hai miền Nam - Bắc”. Bộ phim tài liệu này đã vinh dự nhận giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3 và giải thưởng lớn Bồ Câu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Lepzic (Đức) cùng trong năm 1975.
Dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Điện ảnh Quân đội ra mắt bộ phim tài liệu 30-4 - Ngày thống nhất (phim dài 2 tập, do Đại tá Phạm Minh Lợi viết kịch bản, Nghệ sĩ Nhân dân - Đại tá Lê Thi làm đạo diễn). Với độ lùi về thời gian, phim có một góc nhìn mới, đa chiều hơn so với các phim trước đây về sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo đó, chiến thắng mùa xuân 1975 là chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam, non sông thu về một mối sau nhiều năm bị chia cắt, từ đó nói lên thông điệp về sự hòa hợp dân tộc... Không dừng lại ở việc nhìn về quá khứ, ê kíp làm phim còn đề cập đến những vấn đề hôm nay - bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thông qua việc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
THÀNH NGUYỄN