Lần thứ 2 được tổ chức, ngày Sách Việt Nam ở Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tặng sách, trưng bày sách... Tuy nhiên, không ít bạn đọc vẫn mong muốn giá như có một hội sách với sự tham gia của nhiều đơn vị trong lĩnh vực phát hành sách.
Lần thứ 2 được tổ chức, ngày Sách Việt Nam ở Khánh Hòa đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tặng sách, trưng bày sách... Tuy nhiên, không ít bạn đọc vẫn mong muốn giá như có một hội sách với sự tham gia của nhiều đơn vị trong lĩnh vực phát hành sách.
Độc giả xem sách ở Thư viện tỉnh |
Giới trẻ với ngày sách
Ngày 21-4, Thư viện tỉnh khai mạc trưng bày sách và tài liệu có chủ đề “Lịch sử hào hùng - Non sông bền vững”. Hơn 800 tựa sách, tài liệu với hơn 1.000 bản được sắp xếp theo từng chủ đề như: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ; biển, đảo... đã thu hút sự quan tâm của các độc giả, trong đó có nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Đặc biệt, việc xếp sách về Chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo chữ số 30-4; sách về biển, đảo được xếp thành bông hoa... đã tạo sự thích thú đối với các bạn trẻ. Đoàn Thị Kim Kiều - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang cho biết: “Đến đây, em biết thêm nhiều sách mới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Em đã ghi lại một số tựa sách để tìm đọc...”.
Các em nhỏ đọc sách tại Nhà sách Phương Nam, Nha Trang |
Tại buổi giao lưu với bạn đọc ở Thư viện tỉnh, nhà văn Cao Duy Thảo - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã khuyến khích lớp trẻ đọc nhiều sách. Theo ông, sách không chỉ để thư giãn mà khiến chúng ta phải ngồi lại suy ngẫm, cho ta kiến thức. Sách chính là kho tàng tri thức được đúc kết qua dòng thời gian của lịch sử, nó có thể giúp mỗi người trở về quá khứ, nhìn lại chính mình và tiếp bước đến tương lai... Điều khá bất ngờ, phần giao lưu với nhà văn về văn học Việt Nam viết về chiến tranh, cũng như những chia sẻ của ông về chuyện trong thời chiến, chuyện bên lề tiểu thuyết Chim bay về núi và tập truyện ngắn Thời gian đã thu hút sự quan tâm của lớp trẻ. “Trước đây, em hay đọc truyện ngôn tình của Trung Quốc và sách về kỹ năng sống. Qua những chia sẻ của nhà văn, em thấy được ý nghĩa của những tác phẩm văn học cách mạng. Có lẽ tới đây, em sẽ có những thay đổi trong việc chọn lựa sách để đọc...”, bạn Trương Thị Thẩm, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang chia sẻ.
Ngày này, tại Siêu thị sách Tân Tiến, lượng sách bán ra cao hơn ngày thường, trong đó có nhiều bạn trẻ đến mua. Bạn Trần Thanh Chung cho biết: “Em thấy các bạn đăng trên Facebook hôm nay (21-4) Nhà sách Tân Tiến sẽ giảm giá 10% nên tranh thủ đi mua... Em hy vọng những năm sau, các nhà sách có chương trình khuyến mại dài hơn, giảm giá sách nhiều hơn, nhất là với sinh viên, học sinh”.
Mong có một hội sách
Năm 2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra một con số khiến nhiều người giật mình: “Người Việt Nam đọc trung bình 0,8 cuốn sách/năm (không tính sách giáo khoa)”. Tất nhiên, con số tính toán này chỉ mang tính tương đối. Tuy nhiên, việc người Việt ít đọc sách là một thực tế. Chính vì vậy, đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm làm ngày Sách Việt Nam nhằm góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc, tôn vinh những người làm sách.
Hưởng ứng ngày Sách Việt Nam, các đơn vị trong tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực như: tặng sách, trưng bày sách ở các thư viện... Tuy nhiên, nhiều người có tâm huyết với văn hóa đọc còn mong muốn nhiều hơn thế. Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Văn Ban cho rằng, để ngày Sách Việt Nam thực sự trở thành một ngày hội sách, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, nên có ngày hội sách với sự tham gia của nhiều đối tượng. “Tôi rất mong Khánh Hòa sẽ tổ chức những hội sách như một số tỉnh, thành phố khác đã làm. Ở hội sách, không chỉ có Thư viện tỉnh mà Hội Văn học - Nghệ thuật cũng nên trưng bày tác phẩm của hội viên; các đơn vị kinh doanh văn hóa phẩm vừa trưng bày vừa bán sách... Khi đó, người xem sách có thể mua ngay những tác phẩm mình thích”, ông Ban nói. Còn bạn Kim Kiều bày tỏ: “Em xem trên mạng thấy ở các nơi tổ chức hội sách rất lớn. Ở đó không chỉ có sách mới, mà còn có cả sách cũ của các nhà sưu tập, các nhà sách khuyến mãi rất lớn. Em hy vọng, trong tương lai, ở Nha Trang sẽ có những hội sách như vậy”.
Nha Trang - Khánh Hòa là khu vực tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu... Lượng độc giả tiềm năng khá lớn. Chính vì vậy, ý tưởng về một hội sách không phải là điều quá xa vời. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho người dân xứ Trầm Hương.
THÀNH NGUYỄN