11:03, 04/03/2015

Nỗi niềm Thị Nở!

Lần đầu tiên đọc bài thơ "Nỗi niềm Thị Nở" của tác giả Quang Huy, tôi đã cảm thấy thích thú bởi một hồn thơ giàu tính nhân văn và có một cái gì đó là lạ! Để rồi đã hơn 20 năm, tôi vẫn thuộc nằm lòng bài thơ ấy…

Lần đầu tiên đọc bài thơ “Nỗi niềm Thị Nở” của tác giả Quang Huy, tôi đã cảm thấy thích thú bởi một hồn thơ giàu tính nhân văn và có một cái gì đó là lạ! Để rồi đã hơn 20 năm, tôi vẫn thuộc nằm lòng bài thơ ấy…

 

Nói bài thơ lạ là bởi từ trước đến giờ chỉ thấy người ta làm thơ về những người phụ nữ đẹp, chí ít cũng là những cô gái đang tuổi xuân thì…chứ làm thơ về phụ nữ xấu, mà xấu như Thị Nở thì quả là Quang Huy là người đầu tiên. Không những vậy, đây là một bài thơ hay và giàu tính nhân văn.

 

Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ với ngôn ngữ hết sức đời thường, mộc mạc nhưng lại cũng rất thơ: Người ta cứ bảo dở hơi/Trách chi miệng thế lắm lời thị phi/Dở hơi, nào dở hơi gì/Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình! Quả thật, cả làng Vũ Đại hồi ấy ai chả nói thị dở hơi! Nhưng, những người dở hơi vẫn thường không nhận mình dở hơi. Nhưng với Thị Nở thì khác, thị chỉ nhỏ nhẹ “Trách chi miệng thế lắm lời thị phi”! Nhưng thị cũng không vừa đâu nhé, “Ừ thì dở hơi, ừ thì đây dở hơi đấy!”, nhưng “Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình”! Quả thật là một cách vào đề ấn tượng.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Nói đến Thị Nở, đến nỗi niềm của thị mà không nói đến Chí Phèo thì còn gì là “Chí Phèo - Thị Nở”. Chính vì vậy, khổ tiếp theo, Quang Huy giời thiệu ngay đến Chí Phèo: Làng này khối kẻ sợ anh/Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay/Sợ anh chửi đổng suốt ngày/Chỉ mình em biết anh say rất hiền. Trong con mắt làng Vũ Đại ngày ấy, Chí Phèo là kẻ bất lương, suốt ngày say, suốt ngày chửi đổng rồi rạch mặt ăn vạ. Nhưng Chí có hành hung, đánh ai đâu?! “Vũ khí” của Chí chỉ là “Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay”, để chuyên rạch mặt ăn vạ! Thế mà cả làng Vũ Đại ai cũng sợ Chí, đến Bá Kiến còn phải sợ thì nói chi đến người dân thường. Thế mà với Thị Nở thì khác, chỉ có thị mới hiểu được tâm hồn cô đơn, cái chất “người” bên trong con người Chí: “Chỉ mình em biết, anh say rất hiền”. Nếu nói về tính nhân văn thì theo tôi, đây là câu thơ giàu tính nhân văn nhất của bài thơ. Một con người bị cả xã hội, cả làng Vũ Đại lúc bấy giờ xa lánh, nhưng thị đã biết bước đến bên cạnh Chí Phèo, nắm tay Chí Phèo cùng bước đi trong cuộc đời…

 

Không dừng lại ở đó, tư cách nhân vật tiếp tục được đẩy lên cao hơn trong 2 khổ thơ tiếp theo: Anh không nhà cửa bạc tiền/Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo/Cái tên thơ mộng Chí Phèo/Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao/Quần anh ống thấp ống cao/Làm em hồn vía nao nao đêm ngày/Khen cho con tạo khéo tay/Nỗi này thì úp vung này chứ sao! Tôi cứ hình dung ra cái cười tủm tỉm, tinh nghịch của nhà thơ Quang Huy khi viết những câu thơ nói về “mối tình” Chí Phèo - Thị Nở. Thực tế thì chả có mối tình nào cả, nhưng thơ thì phải vậy, thơ là cảm xúc, là sự thăng hoa nhưng cũng rất đời... Để rồi, tác giả đã bật lên câu thơ: “Khen cho con tạo khéo tay/ Nồi này thì úp vung này chứ sao!”. Hai chữ “chứ sao” cuối câu như làm tăng thêm sự tự tin đến mức vênh váo, bất cần của thị!

 

Cảm xúc của tác giả thăng hoa tột đỉnh trong khổ thơ tiếp theo: Đêm nay trời ở rất cao/Sương thì đẫm quá, trăng sao lại nhòa/Người ta… mặc kệ người ta/Chỉ em rất thật đàn bà với anh! Nói thăng hoa tột đỉnh quả không ngoa, bởi với “Chí Phèo - Thị Nở” mà viết được những câu thơ hay, rất đời như thế thì quả là cao tay. Thôi rồi đắt lắm tiết trinh/Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm - bài thơ khép lại bằng hai câu thơ nhẹ nhàng, và nói như một ai đó, tất cả các câu, các khổ trong bài thơ đều đã ngồn ngộn chất sống, chất thơ và tràn đầy cảm xúc, nên hai câu cuối lắng lại. Nhưng theo tôi, có lẽ tác giả Quang Huy cho rằng, nói đến Chí Phèo, Thị Nở mà không nói đến “bát cháo hành” thì không còn Chí Phèo, Thị Nở nữa! Vì vậy nhà thơ đã khéo léo đưa hình ảnh này vào cuối bài thơ, để người đọc không còn cảm thấy chông chênh…

 

Bài thơ viết về những con người dưới đáy xã hội, về một đề tài không xa lạ nhưng lại hết sức thành công. Đó chính là cái hay, cái đẹp và giàu tính nhân văn của bài thơ này.

 

NAM PHONG

 

Nỗi niềm Thị Nở!

Người ta cứ bảo dở hơi

Trách chi miệng thế lắm lời thị phi

Dở hơi, nào dở hơi gì

Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình!

 

Làng này khối kẻ sợ anh

Rượu be với chiếc mảng sành cầm tay

Sợ anh chửi đổng suốt ngày

Chỉ mành em biết anh say rất hiền

 

Anh không nhà cửa bạc tiền

Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo

Cái tên thơ mộng Chí Phèo

Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao

 

Quần anh ống thấp ống cao

Làm em hồn vía nao nao đêm ngày

Khen cho con tạo khéo tay

Nỗi này thì úp vung này chứa sao!

 

Đêm nay trời ở rất cao

Sương thì đẫm qúa, trăng sao lại nhòa

Người ta… mặc kệ người ta

Chỉ em rất thật đàn bà với anh!

 

Thôi rồi đắt lắm tiết trinh

Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm.

 

                                                   Quang Huy