Những năm gần đây, điện ảnh Việt khá khởi sắc với dòng phim tư nhân, nhiều phim có doanh thu không kém các phim "bom tấn" của nước ngoài. Tuy nhiên, đó là nhìn về mặt doanh thu, còn chất lượng thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nói, trong đó nổi cộm là các phim có quá nhiều yếu tố hài nhảm nhí…
Những năm gần đây, điện ảnh Việt khá khởi sắc với dòng phim tư nhân, nhiều phim có doanh thu không kém các phim “bom tấn” của nước ngoài. Tuy nhiên, đó là nhìn về mặt doanh thu, còn chất lượng thì vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nói, trong đó nổi cộm là các phim có quá nhiều yếu tố hài nhảm nhí…
Khán giả ngồi chờ xem phim ở Lotte Cinema Nha Trang |
Ngày 8-3, cụm rạm Lotte Cinema Nha Trang gần như chật kín khán giả. Hầu hết khán giả đến đây đều chọn xem phim Sơn đẹp trai (đạo diễn Trương Quang Thịnh) bởi đây là bộ phim Việt mới nhất, lại có sự tham gia diễn xuất của ca sĩ Bằng Kiều trong vai nam chính. Cũng như nhiều bộ phim Việt trong thời gian gần đây, Sơn đẹp trai để lại cho khán giả không ít tiếng cười, kèm với đó là nỗi buồn về chất lượng của phim Việt.
Sơn “đẹp trai” là đại ca của nhóm giang hồ vặt chuyên đi trộm cắp, giả làm người tàn tật ăn xin... Xuất thân du thủ du thực, nhưng Sơn “đẹp trai” lúc nào cũng mơ tưởng sánh vai cùng cô ca sĩ Trang Nhi đang nổi như cồn. Tuy rất ghét gã giang hồ nhưng rồi như một định mệnh, họ liên tục gặp nhau trong những tình huống oái ăm... Tình cờ Sơn “đẹp trai” phát hiện nhóm giang hồ đối địch đang có âm mưu hãm hại Trang Nhi. Điệp vụ giải cứu nàng ca sĩ nổi tiếng đã đưa họ xích lại gần nhau. Chuyện phim là vậy, nhưng êkip làm phim lại không chú trọng xây đắp các tình tiết để lấy cảm xúc của khán giả, thay vào đó lại sa đà đi khai thác các yếu tố hài hước, câu khách. Chính vì vậy, xem phim, khán giả cười ngất với những trò khôn lỏi, mưu kế của Sơn “đẹp trai” cùng đám đàn em. Nhưng ra khỏi rạp, gần như chẳng ai còn nhớ gì về chuyện phim. Kịch bản phim bị hạn chế về tính logic, những tình huống trong phim khiên cưỡng và được giải quyết rất hời hợt... Để lấy tiếng cười của khán giả, đạo diễn đã cài cắm không ít tình huống thô tục, phản cảm như cảnh Tí lác lừa cho gã giang hồ gãi lác; tình huống tên giang hồ cắn gót giày của Trang Nhi và bị giựt bay luôn hàm răng giả, đại ca giang hồ lại là một tên đồng tính mặc váy... “Sơn đẹp trai là một bộ phim hài nhảm như những bộ phim Việt gần đây, không mang lại gì nhiều cho người xem ngoài những pha hài lố lăng trên nền một câu chuyện tình khiên cưỡng. Dư thời gian thì ra rạp xem thôi...”, một khán giả bình luận sau khi xem phim.
Điều đáng nói, không riêng gì Sơn đẹp trai mà hầu hết các bộ phim Việt trong thời gian gần đây luôn đầy rẫy yếu tố hài nhảm nhí. Trong đợt Tết Ất Mùi vừa qua, với 5 phim ra rạp gồm Siêu nhân X, Quý tử bất đắc dĩ, Ngày nảy ngày nay, Trúng số và Hợp đồng bắt ma thì chỉ phim Trúng số là có tính nhân văn, còn lại đều là những phim giải trí vô thưởng vô phạt. Điển hình, phim Quý tử bất đắc dĩ với sự góp mặt của các danh hài Hoài Linh, Việt Hương, Tấn Beo... tuy khá ăn khách nhưng nội dung phim lại nghèo nàn. Câu chuyện bà Hai Mùi bất ngờ trúng số độc đắc, rồi đi tìm đứa con thất lạc chỉ là cái cớ, xuyên suốt từ đầu đến cuối là những màn tấu hài nhảm theo kiểu thích gì kể nấy, miễn sao chọc cười khán giả càng nhiều càng tốt.
Ngày nảy ngày nay của Ngô Thanh Vân được đánh giá cao về kỹ xảo hình ảnh, tuy nhiên nội dung không có gì đặc sắc, nhiều đoạn hài khá vô duyên... Chính vì quá sa đà vào các màn hài nên êkip làm phim đã cắt bỏ khá nhiều tình tiết khác làm nhịp phim nhanh, gượng ép, không làm nổi bật được thông điệp của phim đó là tình người. Siêu nhân X của Nguyễn Quang Dũng với solgan “không quá nhanh, không quá mạnh, nhưng rất chảnh” là bộ phim làm về người hùng nhưng cũng đầy rẫy yếu tố hài hước, thậm chí đạo diễn còn lồng vào trong đó cả vấn đề đồng tính... Nhảm nhí nhất trong đợt phim Tết có lẽ là Hợp đồng bắt ma với những diễn xuất gượng gạo và chuyện phim lan man. Phim kể về ba thầy pháp chuyên nhận hợp đồng bắt ma nhưng lại sợ ma, điều đáng nói là những màn dọa ma trong phim quá tệ, chẳng khiến ai sợ, cũng chẳng đem lại tiếng cười cho khán giả...
Trước đó, những bộ phim được cho là rất thành công về thương mại như Để mai tính 1 và 2, Cưới ngay kẻo lỡ, Tèo em đều rất đậm yếu tố hài, tập trung khai thác khả năng giả gái của diễn viên Thái Hòa. Vẫn biết xem phim chỉ là để giải trí, nhưng quả thật những phim Việt hiện nay quá nhảm nhí về mặt nội dung, đến mức nhiều khán giả cho rằng “không nhảm không phải là phim Việt”... Có nhiều lý do để biện minh cho sự quá đà của những yếu tố hài hước, nhảm nhí trong phim Việt hiện nay là xuất phát từ thị hiếu khán giả, yêu cầu của nhà sản xuất... Tuy nhiên, dù với lý do gì đi nữa, việc phim Việt có quá nhiều yếu tố hài nhảm là điều không tốt cho nền điện ảnh nước nhà. Việc thiếu hụt những bộ phim nhân văn sẽ ảnh hưởng đến văn hóa của lớp trẻ - đối tượng xem phim nhiều nhất...
THÀNH NGUYỄN